Khối ngoại lại tiếp tục bán ròng
Kết phiên sáng, VN-Index tăng hơn 4 điểm lên mức 1.288 điểm. Thanh khoản thị trường 8.400 tỷ đồng, tương ứng hơn 332 triệu cổ phiếu giao dịch, bằng 76% phiên giao dịch trước đó.
Các cổ phiếu ngân hàng như VCB, STB, LPB, BID là nhân tố kéo chỉ số đi lên. Bên cạnh đó, các nhóm ngành dầu khí, đầu tư công duy trì sắc xanh tích cực như BSR (+3,4%), HHV (+2,6%), VCG (+1%)...
Tuy nhiên, sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng ở nhóm Midcap ngoài rổ VN30 khiến thị trường chứng khoán đảo chiều giảm hơn 5 điểm. VN-Index tiếp tục gặp khó trong việc giữ mốc 1.290 điểm.
Kết phiên hôm nay, VN-Index giảm 0,79 điểm xuống còn 1.283,56 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng là nhóm hoạt động rất tích cực hôm nay khi đóng góp 9/10 cổ phiếu trong top các cổ phiếu hoạt động tích cực. Trong đó, điển hình là STB tăng 3,72%, SHB tăng 6%, đây cũng là 2 cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất phiên với lần lượt là 31 triệu và 69 triệu cổ phiếu sang tay trong 1 phiên. Ngoài ra, LPB, TCB, MBB CTG... đều kết phiên trong sắc xanh.
Nhóm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tiếp tục là nhóm có mức tăng ấn tượng nhất trong hôm nay với mức tăng là 2,47%, tiếp đến là thiết bị máy móc và nông lâm ngư nghiệp.
Bên cạnh nhóm dầu khí giữ được sắc xanh tích cực với PVS, PVD đều tăng, một số cổ phiếu vận tải biển ghi nhận mức tăng tốt trong bối cảnh giá cước vận tải neo cao, VOS tăng 6,02%, VSC tăng 1,6%, HAH tăng 0,83%... đặc biệt có VIP tăng trần.
Chứng khoán hôm nay mặc dù giảm nhẹ 0,35% những vẫn ghi nhận nhiều mã tăng: ORS, BVS, đặc biệt có TVS tăng kịch trần.
Khối ngoại hôm nay tiếp tục quay trở lại bán ròng sau khi mua ròng nhẹ trong phiên hôm qua, với tổng giá trị bán ròng là hơn 740 tỷ đồng, tập trung vào FPT (223 tỷ đồng), TCB (115 tỷ đồng), MWG (91 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, MSN được mua ròng 64 tỷ đồng, LPB 25 tỷ đồng, NKG 24 tỷ đồng...
Triển vọng cổ phiếu ngành dệt may
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may Việt Nam được kỳ vọng phục hồi trong sự thận trọng, dự kiến tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023, ước đạt 44 tỷ USD dựa trên mức nền thấp trong 2023 và kỳ vọng chu kỳ bổ sung hàng tồn kho bắt đầu từ 2024. Thị trường bước vào giai đoạn ưu tiên các cổ phiếu riêng lẻ với câu chuyện tăng giá đi kèm kết quả kinh doanh cải thiện.
Điểm nhấn đầu tư cổ phiếu ngành dệt may có TCM của Công ty CP Dệt may Thành công và MSH của Công ty CP May Sông Hồng. Đây cũng là 2 cổ phiếu cho thấy tín hiệu đi ngược thị trường hiện nay và là cơ hội đầu tư tiềm năng giai đoạn tới.
Kết phiên hôm nay, TCM tăng 1,29% lên 54.800 đồng/cp, trong khi đó, cổ phiếu MSH giảm nhẹ 0,98% xuống 50.700 đồng/cp.