Song tiếc là hàng Việt vẫn khó tìm được chỗ đứng trong các cơ sở này, đặc biệt là các khách sạn hạng sang do thua kém về nhiều mặt so với hàng ngoại.
Hàng nội khó "chen chân" trong khách sạn 3 - 5 sao
Theo Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, trong 25 năm trở lại đây, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năm 1990, Việt Nam có khoảng 350 cơ sở lưu trú du lịch với 16.700 buồng. Tính đến tháng 6 năm 2015, số lượng cơ sở lưu trú lên đến 18.600 (tăng 53 lần so với năm 1990) với 355.000 buồng (tăng 21 lần so với năm 1990), trong đó có hơn 700 khách sạn 3 - 5 sao. Điều này cho thấy, nhu cầu về trang thiết bị của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch là rất lớn và cũng là cơ hội lớn cho các sản phẩm, thương hiệu của Việt Nam xuất hiện trong các cơ sở này. Tuy nhiên, thực tế hàng Việt Nam lại bị “lép vế” ngay trên sân nhà khi đa số các cơ sở lưu trú cao cấp vẫn ưa chuộng sử dụng hàng ngoại nhập.
Theo đánh giá mới đây của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, hiện nay, các sản phẩm của Việt Nam, bao gồm cả cơ sở vật chất và sản phẩm thương mại, mới chủ yếu được sử dụng ở nhóm nhà nghỉ, khách sạn 2 sao trở xuống, nhóm khách sạn/resort từ 3 sao trở lên thường “chuộng” hàng ngoại nhập. Đặc biệt, đối với các khách sạn quốc tế, hàng Việt lại càng khó "chen chân" để có được chỗ đứng. Bà Nguyễn Hồng Minh - đại diện Khách sạn 3 sao Eastin Easy GTC Hanoi thừa nhận, có đến 50% sản phẩm được sử dụng trong khách sạn là hàng nhập khẩu. Đó là những mặt hàng mà các nhà sản xuất trong nước không sản xuất được hoặc chất lượng chưa được khẳng định cho ngành khách sạn như máy sinh tố, bếp từ, máy pha cà phê, các loại vật dụng cho đồ buffet, đồ dùng inox cho nhà hàng… Hoặc những sản phẩm nhập khẩu có chất lượng tốt hơn hàng nội và giá cả lại ngang giá hàng nội cùng chất lượng như bát, đĩa, ly, cốc... Trong khi đó, hầu hết các khách sạn 5 sao đều cho rằng những sản phẩm nội địa khó “chen chân” được trong các cơ sở lưu trú này do thua kém nhiều mặt từ mẫu mã, chất lượng, đến dịch vụ chăm sóc khách hàng… so với hàng ngoại nhập.
Giải pháp nào cho hàng Việt?
Mới đây Tổng cục Du lịch đã tổ chức một cuộc hội thảo nhằm khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam trong các cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, dù các chuyên gia du lịch đều khẳng định, việc sử dụng trang thiết bị Việt Nam trong các cơ sở lưu trú sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 phía: Bên sản xuất tăng doanh thu và bên sử dụng tiết kiệm được chi phí, nhưng hầu hết các khách sạn/resort hạng sang đều cho rằng, “đường vào” các cơ sở lưu trú cao cấp của hàng Việt Nam còn rất khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Viết Định – đại diện Pullman Danang Beach Resort đánh giá, nếu đưa “lên bàn cân”, các sản phẩm nội địa không chỉ có mẫu mã, tông màu không đa dạng, chất lượng thua kém mà công tác quảng bá tiếp thị, chế độ hậu mãi cũng rất kém, khó đáp ứng yêu cầu của những khu resort cao cấp… “Thực sự chúng tôi cũng muốn sử dụng nhiều mặt hàng của Việt Nam, tuy nhiên nếu không đảm bảo chất lượng cho resort thì chúng tôi không thể sử dụng. Muốn cạnh tranh với hàng ngoại nhập thì các thương hiệu trong nước phải khiến cho khách hàng yên tâm về chất lượng sản phẩm, chế độ bảo trì, chăm sóc khách hàng cũng như hậu mãi. Nhưng những điều này, hàng Việt Nam hầu như chưa làm được” – anh Định chia sẻ.
Trong khi đó, bà Thạch Ngọc Mai Khanh - Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Hanvico cho hay, dù là một trong số ít thương hiệu Việt Nam được nhiều cơ sở lưu trú cao cấp sử dụng, song Hanvico vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận các dự án là khách sạn/resort. Các dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài đa phần chuộng hàng ngoại nhập do chưa có niềm tin đối với các thương hiệu trong nước, trong khi đó, các dự án khách sạn nhỏ từ 1 - 3 sao có nguồn vốn tư nhân ở Việt Nam lại chủ yếu quan tâm về chi phí đầu tư ban đầu nên thường không chú trọng đến chất lượng tiêu chuẩn khi xem xét năng lực nhà cung cấp, thường chọn những sản phẩm giá rẻ nhằm giảm chi phí đầu tư ban đầu…
Theo bà Thạch Ngọc Mai Khanh, để khuyến khích các cơ sở lưu trú sử dụng hàng Việt Nam, cần có những buổi tọa đàm giữa các nhà sản xuất với khách sạn/resort để giúp họ hiểu rõ hơn về sản phẩm trong nước. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích phía lữ hành ưu tiên đưa khách tới các khách sạn có dùng hàng Việt Nam; tổ chức hội chợ chuyên về sản phẩm dành cho khách sạn… Mặt khác, các thương hiệu Việt Nam cần nỗ lực giải bài toán chất lượng, giá cả cũng như đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá và quan tâm đến chế độ bảo trì hậu mãi để nhà đầu tư có thể thấy được những ưu điểm của việc dùng hàng Việt Nam. “Nếu các sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả thấp hơn hoặc bằng hàng ngoại nhập thì chắc chắn các khách sạn sẽ sử dụng sản phẩm trong nước” – đại diện một khách sạn 3 sao khẳng định.q
Nhiều thiết bị tại các khách sạn lớn vẫn phải nhập từ nước ngoài. Ảnh minh họa
|
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Công ty Gốm sứ Minh Long: Doanh nghiệp cung ứng cần có chiến dịch tuyên truyền Thực tế cho thấy, hàng Việt Nam khó chen chân vào các khách sạn lớn ngay cả khi đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và giá thành. Lợi thế của sản phẩm trong nước là có giá thành rẻ hơn và đáp ứng nhanh hơn sản phẩm ngoại nhập vì không tốn chi phí và thời gian vận chuyển, nhưng vẫn rất khó được các khách sạn chấp nhận. Điều này xuất phát từ tâm lý “sính ngoại”, chúng ta mặc định cho rằng, các sản phẩm nhập ngoại cao hơn sản phẩm trong nước dù kiểu dáng và chất lượng như nhau. Do đó, các DN cung ứng cần có chiến dịch tuyên truyền tới từng khách sạn, thay đổi phương thức tiếp cận, chào hàng, chẳng hạn như cho khách sạn dùng thử hàng nội để họ có thể đưa ra so sánh, thấy được ưu điểm của việc dùng hàng Việt Nam. Nếu các sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả thấp hơn hoặc bằng thì chắc chắn các khách sạn sẽ sử dụng sản phẩm trong nước. Chánh Văn phòng Hiệp hội Du lịch Hà Nội Vũ Chính Đông: Nâng cao chất lượng để chiếm lĩnh thị trường Sở dĩ các khách sạn cao cấp thường sử dụng hàng nhập khẩu bởi đây là những nhà đầu tư lớn. Họ luôn cố gắng lựa chọn những trang thiết bị, đồ dùng chất lượng cao nhất có thể. Điều này cũng là minh chứng cho thấy hàng trong nước có phần chưa đạt được những tiêu chuẩn cao cấp như hàng nhập ngoại. Ngay tại gia đình tôi, bồn rửa tay Viglacera mua của Thái Lan liên doanh với Nhật Bản dùng 20 năm nay vẫn trắng tinh, trong khi bồn rửa Vigracera sản xuất trong nước mới sử dụng được vài năm đã ngả màu vàng. Như vậy, hàng Việt muốn chiếm lĩnh thị phần trong các khách sạn, đặc biệt là các khách sạn cao cấp thì cần phải nâng cao chất lượng. Còn về giá thành, chúng ta chắc chắn có thể cạnh tranh vì không mất thuế và chi phí vận chuyển. Hồng Hạnh ghi
|