Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có tiền, đầu tư vào đâu?

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng tiền nếu để yên là đồng tiền chết. Đồng tiền đưa vào đầu tư là đồng tiền sống. Nhưng nếu không chọn đúng kênh đầu tư, thì đồng tiền còn chết hơn cả đồng tiền để yên, đặc biệt là trong bối cảnh dịch nCoV đang diễn biến phức tạp.

Hiện nay, có một số kênh đầu tư đáng lưu ý như: Đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đầu tư vào vàng, đầu tư vào ngoại tệ, đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào chứng khoán, gửi tiết kiệm - trên cơ sở tốc độ tăng CPI - được coi là thước đo để đo mức thực âm/hay thực dương của các kênh đầu tư. Muốn chọn đúng kênh đầu tư, cần phải xem xét diễn biến (hiện trạng) của tốc độ tăng giá (còn gọi là tỷ suất lợi nhuận trên các kênh) và dự đoán tác động của các yếu tố đến tỷ suất lợi nhuận trên các kênh đầu tư này.

Giá vàng có thể vượt mốc kỷ lục

Theo đó, trong tháng 1 vừa qua, trong 8 kênh đầu tư, có 7 kênh tăng, 1 kênh giảm. Trong 7 kênh tăng, tăng cao hơn CPI như giá vàng, tiếp đến là tỷ suất lợi nhuận sản xuất, kinh doanh còn có lãi thực dương, còn thấp hơn là bị thực âm.
Nguồn: - (1) Tổng cục Thống kê; - (2) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

- (3) Ngân hàng Nhà nước; - (4) Ước tính của tác giả dựa vào kết quả điều tra doanh nghiệp.

CPI tháng 1/2020 so với tháng 12/2019 tăng khá cao, so với tháng 1/2019 còn cao hơn nhiều (6,43%). Khả năng tháng 2/2020 so với tháng 1/2020 có thể cao không kém CPI của tháng 1 do tác động của dịch tả lợn châu Phi trước đây; cộng với nhu cầu tăng cao vào Tết Nguyên đán (trong khi CPI tháng 2 được tính từ 21/1 đến 20/2), lại thêm mưa gió ngày 30, mùng 1 Tết khiến rau quả bị dập nát. Sau đó lại gặp dịch virus Corona xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc lan rộng, giá xăng dầu thế giới giảm, nhu cầu du lịch, lễ hội, mua bán ở chợ, siêu thị… chững lại, thậm chí bị sụt giảm…
Giá vàng năm 2019 đã tăng rất cao (sau 1 năm tăng 16,23%, bình quân năm tăng 7,55%); nếu tính thêm tháng 1/2020 thì so với tháng 12/2018 đã tăng tới 21,69%; còn tháng 1/2020 so với tháng 1/2019 cũng tăng tới 18,64%. Tuy số gốc so sánh đã rất cao nhưng “thời của vàng” đã đến từ đầu năm 2019 do nhiều nước nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc hạ lãi suất cơ bản, hạ giá đồng nội tệ so với USD. Nay lại thêm dịch nCoV xuất hiện và lan rộng, có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng xuất khẩu, du lịch và một số ngành, lĩnh vực cụ thể bị sụt giảm theo.
Giá vàng ở trong nước sau nhiều tháng không cao hơn bao nhiêu so với giá vàng thế giới quy đổi nay chênh lệch đã cao dần lên, có thể vượt quá 1 triệu đồng/lượng, do tỷ giá sau một thời gian giảm hoặc tăng thấp nay đã có dấu hiệu tăng nhẹ, làm cho giá vàng trong nước tăng kép (vừa tăng do vàng tính bằng USD tăng, đã ở mức trên dưới 1590 USD/ounce, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng).
Giá vàng thế giới sẽ tăng, nhiều dự đoán có thể vượt qua 1.600 USD/ounce trong tương lai gần và có thể vượt qua mốc kỷ lục 1.900 USD/ounce trước đây. Theo đó, giá vàng trong nước hiện còn ở mức trên dưới 45 triệu đồng/lượng, sẽ vượt xa so với đỉnh cũ (49 triệu đồng/lượng). Cũng cần cảnh báo rằng, vàng đã có lần sau khi vượt qua đỉnh đã “lăn” xuống dưới 35 triệu đồng/lượng để các nhà đầu tư biết điểm dừng…
Giá USD sau một thời gian cơ bản ổn định nhưng gần đây có dấu hiệu tăng nhẹ, một phần do diễn biến của xuất/nhập khẩu (tháng 1 xuất khẩu giảm sâu hơn nhập khẩu và chuyển từ xuất siêu lớn trong năm trước sang nhập siêu 100 triệu USD trong tháng 1/2020). Phần khác do trên thế giới chỉ số USD - Index (đo biến động giá trị của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ yếu khác trên thế giới) vẫn tăng và hiện ở mức khá cao (trên 98 điểm). Tuy nhiên, về dài hạn, giá USD sẽ giảm để cứu xuất khẩu (vì vẫn nhập siêu lớn) và cứu tăng trưởng kinh tế tuy tăng trong thời gia qua nhưng đang có xu hướng chững lại, thậm chí có thể giảm.

Đầu tư chứng khoán có chọn lọc

Giá bất động sản thời gian qua vẫn tăng, nhưng chủ yếu tăng cao ở khu đô thị, khu công nghiệp, ven đường giao thông lớn đã xây dựng hoặc sắp xây dựng… Đứng trước dịch nCoV, một số ngành, lĩnh vực nhất là du lịch tăng trưởng chậm lại, thậm chí sụt giảm nên việc đầu tư vào bất động sản cũng sẽ giảm xuống theo.
VN-Index sau khi đạt kỷ lục về số năm tăng trưởng liên tục và đạt đỉnh điểm mới, bước sang những ngày tháng đầu năm 2020 đã bị sụt giảm mạnh, có ngày đã xuống dưới 900 điểm, giá trị giao dịch và lượng vốn hóa có ngày bị giảm khá sâu. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của chứng khoán trên thế giới giảm sâu sau sự bùng phát của nCoV. Xu hướng này có thể còn kéo dài, tùy thuộc vào sự khống chế của nạn dịch.
Bộ KH&ĐT đã đưa ra 2 kịch bản về tăng trưởng kinh tế: Nếu dịch được ngăn chặn trong quý I thì cả năm tăng 6,27%; nếu còn kéo dài đến hết quý II thì cả năm tăng 6,09% đều thấp khá xa so với mục tiêu tăng 6,8% theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy chứng khoán có ngày tăng, ngày đạt “đỉnh”, có ngày giảm, xuống “đáy”, việc đầu tư có chọn lọc mã, có xét đến chu kỳ thì vẫn có lãi, nhưng nhìn trong cả năm (cuối năm 2020 so với cuối năm 2019) có thể vẫn giảm.
Lãi suất tiết kiệm sau mấy năm đạt thực dương trong cả năm, có năm đạt khá, mặc dù thường bị “thực âm” trong 2 tháng đầu năm. Trong 2 tháng đầu năm nay, mức “thực âm” còn lớn hơn, khi chênh lệch giữa CPI và lãi suất tiết kiệm cao hơn cùng kỳ các năm trước. Với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%, dù có đạt mức cao hơn thì lãi suất tiết kiệm cả năm vẫn đạt “thực dương” khoảng trên 2%/năm. Ngoài lãi suất thực dương, kênh gửi tiết kiệm còn phù hợp với khoảng tiền không lớn của những người không biết hoặc không dám đầu tư vào kênh khác do sợ không chỉ không đạt được “thực dương” mà đến lãi suất danh nghĩa cũng không đạt được; hoặc đối với các khoản tiền lớn của các nhà đầu tư nhưng tạm thời nhàn rỗi đã “tạm trú” vào kênh gửi tiết kiệm.
Lãi suất vay ngân hàng mặc dù thấp hơn tỷ suất lợi nhuận sản xuất, kinh doanh, thì người đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vẫn còn có lợi. Tuy nhiên, tỷ lệ này lại thấp hơn CPI, tức là không có lãi suất thực dương, nên cũng gặp bất lợi. Tuy nhiên, bất lợi chỉ là tạm thời trong vài tháng đầu năm bởi CPI tăng cao chủ yếu là do giá thực phẩm. Bởi tính chung cả năm thì tỷ suất lợi nhuận sản xuất, kinh doanh sẽ cao hơn lãi suất vay ngân hàng. Vấn đề đặt ra là DN cần được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn ngân hàng và có hoạt động hiệu quả để có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Từ hiện trạng và lượng đoán các yếu tố tác động, có thể thấy các kênh đầu tư nào cần được chọn và thứ tự ưu tiên của từng kênh.

"Thị trường tài sản như chứng khoán, vàng, bất động sản vào thời điểm hiện tại khá nhạy cảm với dịch nCoV nên có những biến động khó dự báo. Đối với những người có tâm lý lo ngại, muốn bảo toàn vốn thì việc gửi tiết kiệm ngân hàng là một kênh tốt nhất." - TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia


"Dịch nCoV khiến dòng tiền tiếp tục có xu hướng rót vào các kênh đầu tư an toàn như vàng, tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ... Đặc biệt, tại Việt Nam, tiết kiệm là kênh thông dụng nhất nên trong giai đoạn hiện nay có thể càng được ưu tiên hơn. Việc gửi tiền vào ngân hàng cũng mang tính linh động vì nhà đầu tư có thể nhanh chóng rút ra để chuyển sang các kênh khác khi có cơ hội." - Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam Phan Dũng Khánh


"Vàng đang được thị trường chú ý là nơi trú ẩn an toàn khi hồi phục trở lại vào phiên cuối tuần qua. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng từ 3 - 4%/năm và theo dự báo, khả năng kim loại quý này sẽ tăng từ 7 - 10% tính đến trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Về ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể tham gia thị trường vàng trong thời điểm dịch này nhưng phải tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ - chốt lời nghiêm ngặt." - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) Trần Thanh Hải