Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có văn hóa xe buýt hay chưa?

Thu Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi mà các tuyến xe buýt đã có mặt ở hầu khắp các tuyến phố nội thành, lại thêm những chuyến buýt ra ngoại thành, rồi tuyến buýt nhanh BRT, người TP không còn ngại ngần với xe công cộng như trước.

Nhiều người nói với nhau “Đi xe buýt cho nhàn”, cũng đã có thêm nhiều lời khen về chuyện trên xe buýt. Cụm từ “Văn hóa xe buýt” không còn xa lạ, song vẫn có người đặt nghi vấn: Đã thực sự có văn hóa xe buýt hay chưa?
  Xe buýt hoạt động trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Vẫn cứ phải khẳng định thêm lần nữa, văn hoá xe buýt không phải chỉ nằm ở hành khách, mà cả lái xe và phụ xe. Như lãnh đạo Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) nhìn nhận, văn hóa trên xe bus trước tiên phải bắt đầu từ những nhân viên phục vụ trên xe, chính là phụ xe và lái xe. Không thể phủ nhận, sau bao năm tuyên truyền, vận động xây dựng văn hóa xe buýt, cho đến hôm nay, những nụ cười thân thiện đã nở thêm nhiều trên môi các nhân viên khoác trên mình "đồng phục xe buýt", những lời chào, hỏi thăm, những cánh tay giơ ra đỡ người già, những hành động nhường chỗ... đã nhiều hơn hẳn. Vậy nhưng, vẫn cứ hiển hiện đâu đó trên các tuyến đường TP cảnh lái xe bus phóng nhanh vượt ẩu, không để ý đến việc đỗ trả khách mà đóng cửa xe nguy hiểm, vẫn còn những phụ xe nói lời cộc cằn khó nghe... Rồi ngay cả trước những khẩu hiệu tưởng như đã quá quen thuộc "Hãy cùng chúng tôi xây dựng văn hóa xe buýt", người ta vẫn cứ phải thở dài với những đám thanh niên lên xe buýt mà hồn nhiên nói cười như... cái chợ vỡ, cảnh thanh niên điềm nhiên ngồi trước mặt người già đứng... Rồi vào những giờ cao điểm, lắm khi lại gặp cảnh chen lấn, xô đẩy, dẫm lên chân nhau để rồi... cãi nhau vì ứng xử, hay vẫn có người điềm nhiên vứt vỏ chai nước vừa uống hết xuống sàn xe... Liệu đó có thể gọi là văn hóa xe buýt, dù rất nhỏ nhoi và đơn giản?
Chính những người trong nghề xe buýt cũng "tự nhận lỗi", hạn chế này có nguyên nhân sâu xa từ việc cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện khiến cho xe buýt quá tải, hành khách phải chen lấn lên xe, thậm chí còn bị xe "bỏ bến" không cho lên xe. Nhưng nói gì thì nói, điều cốt yếu vẫn nằm chính ở ý thức của những người có mặt trên các chuyến xe công cộng đó. Chính vì thế mà nhiều năm nay, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội vẫn nuôi mục tiêu nâng chất lượng phương tiện, xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe buýt, mở rộng vùng phục vụ, xóa vùng trắng xe buýt. Riêng đội ngũ lái phụ xe cũng có các lớp đào tạo chuyên đề về thái độ phục vụ, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Dẫu vậy, nỗ lực từ cơ quan quản lý Nhà nước không đủ để làm nên văn hóa trên những chuyến xe buýt. Thế nên, không gian văn hóa này luôn cần sự chung tay của cả hai phía, nhà quản lý, nhân viên phục vụ và cả hành khách đi xe để xe buýt trở nên gần gũi, thân thiện và văn minh.
Vậy là không chỉ còn là những khái niệm trong tâm thức, văn hóa xe buýt quả thật đã hiện diện trong đời sống đô thị, nhưng văn hóa ấy vẫn đang chờ được kết thêm hoa trái.