Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ vật bị mất trộm: Bỏ lửng trách nhiệm

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Công tác bảo vệ sơ sài, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý ngành dọc thờ ơ, khiến bao cổ vật nơi đền, chùa "đội nón ra đi".

Hồi chuông báo động ấy lại thêm một lần gióng lên khi pho tượng quý Phật bà Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay biến mất.
Tượng quý mất 2 lần
Pho tượng Phật bà Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt gắn bó lâu đời với đời sống tâm linh của người dân, sau một đêm đã "không cánh mà bay" khỏi chùa Mễ Sở (xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Mặc dù, cổ vật quý bị mất, lực lượng công an ngay lập tức ráo riết vào cuộc, nhưng ai cũng lo lắng. Bởi đây không phải lần đầu tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay bị đánh cắp. Năm 1988, tượng đã một lần bị mất. Công an các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội phải mất mấy năm rốt ráo truy tìm mới thấy pho tượng tại nhà một nghệ nhân ở Hà Nội. Tượng quý lần thứ 2 bị đánh cắp và chưa hẹn ngày có thể được trả lại.

Pho tượng Phật bà Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt đã bị kẻ trộm lấy cắp. Ảnh: Thanh Loan

Vấn nạn mất cổ vật tại các đình, đền, chùa từng diễn ra trong nhiều năm, có lúc rộ lên, lúc lại tạm lắng. Nhưng giai đoạn gần đây, tình trạng xâm phạm chốn linh thiêng diễn biến phức tạp hơn. Biết bao đền, chùa đã phải tìm cách khóa kiệu thờ, ngai, hạc thiêng, đỉnh hương, chóe… nhưng không phải nơi nào cũng tránh được "cái họa" bị trộm ghé thăm. Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) vốn sở hữu không gian lý tưởng cho các Phật tử vãn cảnh, nhưng cửa chính của ngôi chùa luôn đóng im ỉm. Theo giải thích của sư trụ trì chùa Thích Đàm Khoa: “Trong chùa có nhiều pho tượng, bức tranh cổ… quý giá nên luôn bị trộm dòm ngó. Nhà chùa đã từng bị mất cắp một vài cổ vật. Chính vì vậy, các sư vãi ở đây phải khóa trái cửa để dễ trông coi. Phật tử lễ chùa thì đi cửa sau”. Trong thời gian từ tháng 11/2015 đến giữa năm 2016, có hơn 10 ngôi chùa trong cả nước bị trộm mất đồ thờ, cổ vật. Điển hình như tại huyện Tuy Phước (Bình Định), 6 ngôi chùa đã bị mất cổ vật trong một thời gian ngắn; chùa Kim Long ở Nha Trang (Khánh Hòa) đã mất tới 39 pho tượng đồng có niên đại 300 năm; hay chùa Nền tọa lạc tại phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng xôn xao chuyện mất văn bia, đồ thờ… Cổ vật thay nhau đội nón ra đi và rất hiếm trường hợp tìm được.
Lòng vòng trách nhiệm
“Cổ vật bán đi tạo ra món lời kinh tế lớn cho kẻ trộm. Trong khi những người ăn cắp ngày càng có thủ đoạn tinh vi, thì tại các địa phương, việc trông coi quản lý lại lỏng lẻo, nhiều nơi theo kiểu “cha chung không ai khóc” - GS Trần Lâm Biền lý giải. Việc quản lý cổ vật hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào cái tâm của người trụ trì. Trong khi nhiều vụ việc mất cổ vật lại chính do người trông coi tại các đền, chùa. Gần 10 năm chùa Nền (Hà Nội) thất thoát bốn bức tượng Phật trong Tòa Cửu Long, một bát hương đồng trạm rồng, một Văn bia từ thời kiến lập chùa Nền, bốn đạo Sắc phong… nhưng vẫn lòng vòng trách nhiệm. Theo đơn kêu cứu của các Phật tử tại chùa Nền, sư trụ trì Thích Đàm Phương trực tiếp có liên quan đến vụ việc này. Đến nay, cổ vật chưa được tìm nhưng cũng không truy cứu được trách nhiệm của ai.
Tại Hà Nội, lãnh đạo một phòng văn hóa thông tin cho rằng, công tác bảo vệ hiện vật, đồ thờ trong các di tích hiện đang gặp nhiều khó khăn. Nếu hiện vật tại các bảo tàng được trưng bày, bảo quản chặt chẽ thì hiện vật trong di tích đang “sống” đúng với công năng của nó, tức là nó đang được sử dụng phục vụ cho việc thờ cúng và còn đưa ra đưa vào từ nhiều nguồn khác nhau. Việc quản lý, trông coi đồ thờ cúng này phụ thuộc vào những người trong ban quản lý di tích và trụ trì di tích. Ngành văn hóa chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn, nhắc nhở, kiểm kê hiện vật trong di tích.
Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết cơ quan này đang trình UBND TP ban hành quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, trong đó đề cập đến trách nhiệm bảo vệ cổ vật, hiện vật, đồ thờ cúng tại các di tích. Hiện vật, cổ vật trong di tích vừa phải được bảo tồn, vừa phải phát huy giá trị, nhưng bảo tồn không có nghĩa mang cất hòm khóa lại, vì như vậy sẽ mâu thuẫn với phát huy giá trị. Điều quan trọng, người trông coi, quản lý di tích cần phải có ý thức và trách nhiệm gìn giữ. Song cũng không thể không nói đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa trong việc hướng dẫn, kiểm tra việc bảo vệ di tích và các hiện vật tại di tích.