Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Cò" xuất khẩu lao động lấn át cả các công ty hợp pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Nghệ An, hoạt động môi giới xuất khẩu lao động của các cá nhân không có tư cách pháp nhân diễn ra khá ngang nhiên và công khai, thậm chí còn lấn át hoạt động của các công ty xuất khẩu lao động hợp pháp.

Anh Vũ Văn Khai, ở xóm 7 xã Tăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), có con trai là Vũ Văn Khánh, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đi học thợ cơ khí nhưng không xin được việc làm. Khi biết bà Đặng Thị Đào (người trong xóm) phối hợp làm việc với một công ty xuất khẩu lao động trụ sở đóng ở Hà Nội, anh Khai đã nhờ bà Đào làm thủ tục cho con trai mình sang Malaysia.

Có tay nghề, sau vòng sơ tuyển, nộp tiền và hoàn tất các thủ tục, nhờ bà Đào, Khánh đã được đưa đi xuất khẩu lao động tại một công ty cơ khí ở Malaysia, công việc ổn định, thu nhập khá. Đến nay, Khánh đã đi làm được 2 năm, đều đặn hàng tháng gửi tiền về gia đình.

"Chi phí cho một người ra Hà Nội học, ăn uống, sinh hoạt trong một thời gian dài đối với nhà nông như chúng tôi là quá cao. Trong khi đó, đi qua con đường môi giới khá gọn nhẹ, đã có người của công ty về hướng dẫn tận tình, có nộp thêm 5-7 triệu chúng tôi cũng đồng ý." Anh Vũ Văn Khai cho biết.

 
Đào tạo ngoại ngữ cho các lao động xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Đào tạo ngoại ngữ cho các lao động xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Cùng với Khánh, 20 thanh niên khác ở xóm 7, xã Tăng Thành, đã được bà Đặng Thị Đào đưa đi xuất khẩu lao động sang Malaysia, Đài Loan, Nga… Tuy nhiên, đáng lưu ý là phần lớn trong số đó khi sang các nước đều không làm đúng công việc mà đối tượng môi giới đã cam kết, thậm chí còn bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ.

Chẳng hạn, trường hợp em Nguyễn Văn Duy, con anh Nguyễn Xuân Khanh, được bà Đào đưa sang Angola để làm thợ hồ. Song khi vừa sang, do đi theo con đường bất hợp pháp nên Duy đã bị lực lượng chức năng nước bạn bắt giữ.

Hiện nay, Duy đã được trả tự do nhưng vẫn phải sống chui lủi, chờ người nhà gửi tiền sang để quay trở về quê hương.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Lộc cũng được bà Đào đưa đi xuất khẩu lao động tại Malaysia với công việc trên tàu cá. Song khi sang bên đó, Lộc lại bị phân công làm việc khác.

Nhiều trường hợp khác khi mọi thủ tục đã hoàn tất, tiền cũng đã nộp song chờ mãi vẫn chưa được bay. Người dân tin tưởng, nghe theo “cò” bởi họ nghĩ đơn giản, người cùng làng cùng xóm, ai nỡ lừa nhau. Mà nếu có vấn đề gì xảy ra thì gia đình ở nhà cũng dễ đòi, dễ lấy - ông Nguyễn Xuân Kiên, xóm trưởng xóm 7, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành cho biết.

Hiện nay có bốn hình thức đưa người đi xuất khẩu lao động hợp pháp, thứ nhất là các doanh nghiệp được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện đưa người đi xuất khẩu lao động; Thứ hai là đi theo đơn vị trúng thầu (đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài); Thứ ba là các cá nhân có hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động nước ngoài; Thứ tư là người lao động đi học tập kỹ thuật, vừa học vừa làm.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài những đơn vị được cấp phép có chức năng, nhiệm vụ được giao làm công tác cung ứng người lao động cho các đơn vị doanh nghiệp có điều kiện, vẫn tồn tại nhiều đối tượng không được giao nhiệm vụ, không có chức năng vẫn ngang nhiên thực hiện hoạt động môi giới người đi xuất khẩu lao động.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ An, người dân ở một số địa phương như Yên Thành, Diễn Châu, Cửa Lò… thông qua con đường cá nhân để đi xuất khẩu lao động tương đối nhiều.

Ngoài thị trường lao động truyền thống, người lao động còn đi theo người nhà, người quen đã và đang làm việc ở một số nước như Anh, Mỹ, Canada, Nga... theo con đường tiểu ngạch hoặc đi theo hình thức du lịch, thăm thân để sang làm việc.

Không thể phủ nhận số lượng lao động đi nước ngoài đã mang lại thu nhập khá cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, song hệ luỵ mà "cò" gây ra cho người đi xuất khẩu lao động cũng không hề nhỏ.

Hoạt động của “cò” xuất khẩu lao động không được pháp luật thừa nhận. Đây không phải là hoạt động xuất khẩu lao động chân chính, không có sự bảo hộ của Nhà nước, nên người lao động nếu gặp rủi ro trên đường sang nước bạn, trong quá trình làm việc hay khi bị tai nạn, tử vong, mọi hậu quả chỉ người lao động phải gánh chịu mà không có sự hỗ trợ nào.

Mặt khác, chi phí người lao động phải đóng cũng không được kiểm soát. Người lao động thường mất nhiều chi phí cho “cò” môi giới so với mức chi phí xuất khẩu lao động chính ngạch là các Công ty được cấp phép. Có khá nhiều trường hợp đã mất chi phí đặt cọc hoặc nộp hết tổng số tiền để đi nhưng vẫn không bay được do vướng thủ tục.

Trường hợp khác, một số lao động hết hạn không về nước, gây ảnh hưởng đến việc tiếp tục thực hiện chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cá biệt, có người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh.

Nghiêm trọng hơn, nhiều “cò” môi giới đã lợi dụng hoạt động xuất khẩu lao động để lừa đảo. Những đối tượng này hoạt động đơn lẻ, khép kín, trong khi đó, người lao động lại nghe qua hình thức "rỉ tai nhau." Khi sự việc không hay xảy ra mới báo cáo cơ quan chức năng thì đã muộn.

“Cơ quan chức năng biết sự tồn tại của 'cò,' môi giới hoạt động ngang nhiên song do phạm vi quản lý hẹp nên không thể xử lý được”- ông Lê Văn Thúy, Trưởng Phòng Việc làm-Lao động-Tiền lương-Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An) thừa nhận.