Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cồn chim

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tụi nhỏ sợ nhất là cồn chim, khoảnh đất xanh um cây cối quãng giữa sông như một cái đảo nhỏ hoang. Nhưng đảo có một người đàn ông và mấy người con sinh sống.

Nỗi sợ hãi có từ đời nảo đời nào, tôi không nhớ, chỉ biết người lớn nói đó là nơi ở của người hủi. Ai đến gần sẽ lây. Tôi, tụi nhỏ cũng như bao người chưa bao giờ nhìn thấy người hủi, nhưng nghe nói dễ lây, nhiễm vào người ngợm trông gớm ghê lắm thì kinh hồn bạt vía.

Người hủi ở đó sống bằng gì? Đó là câu hỏi chưa bao giờ tôi được trả lời. Khi đã là một chàng trai vâm váp, chài lưới giỏi tôi mới đủ dũng khí tìm câu trả lời. Không ai biết tôi có ý định này, và chẳng biết có ai từng nảy sinh ý định như tôi.

Họ đi lại bằng thuyền, sống bằng nghề chài lưới. Cá tôm đánh bắt được, người bố lên bờ đi bộ sang xã bên kia bán. Đó là điều đầu tiên tôi khám phá được. Và một điều gì đó không giải thích nổi, đã thôi thúc tôi bơi sang đó. Từ bờ sang đó cỡ năm mươi mét, chẳng khó khăn gì với tôi. Tôi muốn khám phá cồn chim một cách bí mật. Có mặt ở cồn một cách dễ dàng. Tôi nhận ra, đó không phải cồn hoang dại, mà là một thế giới của cây trái tốt tươi, rộn ràng tiếng chim ca hót. Giữa cồn có chiếc ao nhỏ. Ôi, một cô gái đang tắm. Tôi như không tin vào mắt mình. Cô gái trẻ lắm, chừng mười tám gì đó, làn da trắng, như bông hoa đang nở giữa điệp trùng diệp lục. Hai bàn tay cô dịu nhẹ mơn man làn da trắng ngần. Một khung cảnh tuyệt diệu mà có lẽ chưa bao giờ tôi được nhìn thấy trong đời.

Bỗng có tiếng hô "đứng im". Tôi quay lại, thì cây sào vót nhọn đầu đã đặt vào ngực tôi. Người đàn ông, người bố đứng trân trân, tay cầm sào tre. Hai bàn tay không đủ mười ngón, có ngón sần sùi. "Mày ở đâu đến đây, đến làm gì?". Vừa giật mình, vừa sợ hãi, nhưng tôi chợt nhìn ông. Một khuôn mặt và ánh mắt nhân hậu. Chắc ông sẽ không đâm tôi.

- Cháu ở trong làng, cháu đến chơi.

- Đến chơi sao không lên tiếng, mà lại rình mò?

Tôi ấp a ấp úng, không nói nên lời. Lúc này, cô gái vừa tắm dưới ao xuất hiện, với quần áo chỉnh tề, hỏi chuyện gì?

- Con gái, chưa bao giờ có ai đến đây, nay bố bắt được gã này rình trộm con tắm.

Cô gái hơi nghiêm mặt, nhưng rồi chợt mỉm cười, sau đó cô lại nghiêm mặt, nói: - Rình mò chắc chắn là người xấu. Bố trói lại, đuổi về bên kia."

Tim tôi thình thịch đập. Tình huống rất khó giải quyết. Tôi chợt nghĩ nếu mình phản kháng, giật lại cây sào từ tay ông ta rồi chạy thì cũng chẳng hề hấn gì. Nhưng tôi đến đây không phải để gây sự.

- Cháu không phải người xấu - tôi nói - chú và em hãy tin thế. Cháu đến đây, phần vì tò mò, phần vì muốn biết cuộc sống của gia đình.
Minh họa: Hoài Văn
Minh họa: Hoài Văn
Khuôn mặt ông bố và cô gái bỗng nhiên bớt căng thẳng. Ông nói:
- Có gì đâu mà biết, ở làng chẳng ai muốn biết cả. Họ xa lánh bọn tôi, coi chúng tôi là những con bệnh nguy hiểm.

- Cháu không nghĩ thế nên cháu đến đây. Cháu định đến lâu rồi, nhưng sợ…

Cô gái can bố:

- Thôi bố, bỏ cái sào ra. Chắc anh ta không có ý xấu.

Ông bố nghe có lý, nhấc cây sào ra khỏi ngực tôi. Họ dẫn tôi vào nhà. Căn nhà bằng tre và gỗ, khá vững chãi, xung quanh đặt rất nhiều giò phong lan đang nở hoa. Phía bên trái, cạnh chum nước tôi còn thấy hai thằng thanh niên choai choai đang vá lưới. Họ không chỉ có hai người. Rót cốc nước chè xanh mời khách bất đắc dĩ, ông bố kể sơ qua về mình. Từ nhỏ, mồ côi, mắc bệnh phong, người làng hắt hủi hai mẹ con. Họ đành đến sống cậy nhờ cồn chim. Năm mười hai tuổi thì mẹ mất, cậu bé sống trong tủi buồn, căm phẫn, nhưng rồi khu vườn, những con chim đã giúp cậu vượt qua tất cả. Chú Cồn, tên của người bố không có điều kiện lập gia đình, nhưng có tới ba con nuôi. Xuân, cô gái tắm ao tôi nhìn thấy là chị cả, được chú Cồn mang về nuôi vào mùa xuân. Sau đó lần lượt hai con trai là Hạ và Thu, cùng mười sáu tuổi, được chú Cồn nhặt về nuôi vào mùa hạ và mùa thu. Có điều cả ba đều bị bố mẹ bỏ rơi khi còn đỏ hỏn ngoài cánh đồng, được chú đánh lưới đêm phát hiện đem về nuôi. Tôi nghe rờn rợn, tỏ ý khâm phục chú đã vất vả nuôi cả ba con lớn khôn chỉ bằng hai bàn tay chai sần, cụt lủn. Chú Cồn thở dài:

- Cũng nhờ cả vào đảo này, bọn trẻ ăn gì cũng lớn, kể cả củ chuối, củ khoai. Chúng rất ít bệnh tật nhưng không phải không có. Tôi phải đi bán cá gom tiền mua sữa, thuốc thang lúc ốm đau thì mới nuôi nổi. May là chẳng đứa nào chê tôi nghèo, chịu ở với tôi và bệnh hủi không lây.

Nói vậy chứ, nuôi một đứa trẻ lớn lên vất vả cỡ nào thì chẳng cần phải nói. Đằng này những ba, mà chỉ nhờ một người đàn ông với điều kiện vô cùng thiếu thốn. Chú Cồn bắn một bi thuốc lào, nói có việc cần làm, bảo tôi nói chuyện với Xuân, chừng nào muốn về thì bảo cô đưa bằng thuyền lên bờ.

Xuân mười tám, phải khẳng định trong điều kiện thiếu thốn mà ông trời ban cho nhan sắc hiếm có. Cô ăn nói hồn nhiên nhưng đôi chút tôi cảm thấy nỗi buồn đọng ở cuối câu nói. Đó là một thắc mắc và nỗi mặc cảm, không gì khác đó là chuyện mấy bố con ở trên cồn đã không thể nào giao tiếp với người làng tôi. Một sự kỳ thị quá lớn xây tường thành xa cách. Tôi trở về, mang theo những nỗi buồn.
*

*     *
Bố tôi là trưởng thôn. Tôi hy vọng nói những điều mình nghĩ về cồn chim sẽ được ông thông cảm. Ai ngờ đó là mối hiềm khích từ xưa đã mưng mủ rất lâu. Một vết thương không thể lành. Bố tôi bảo bố con chú Cồn chỉ được sống ở đó, hoặc đi đâu cũng được, nhưng không được về làng. Tôi nói: "Bệnh đó không lây". Bố nói: "Dân làng bảo bệnh đó lây". "Vậy bố đi thuyết phục dân làng". "Vô ích thôi, chẳng ai nghe đâu". "Bố là người có uy tín. Bố hãy khuyên họ. Chú Cồn chẳng có tội gì cả". Bố tôi thở dài. Ông nói đại ý, có nhiều điều tôi không hiểu được. Nó xảy ra từ nhiều chục năm và người ta đã quen với sự vắng mặt của chú Cồn. Dần dần chẳng ai muốn nhắc đến chú ấy nữa.

Tôi tiếp tục thuyết phục bố ở những lần sau, khi tôi ra cồn chim lần hai. Tôi biết, bố con chú Cồn đang sống rất bình yên. Có được hòa nhập với người trong làng hay không chẳng quan trọng nữa. Nhưng tôi biết, như thế quá thiệt thòi cho họ. Bố nói không thể quyết định được, và bảo tôi đừng nên đến cồn chim. Vậy mà có người nghe được chuyện giữa tôi và bố. Một số người già trong làng đến gặp bố tôi. Họ bảo gia đình tôi không được phá vỡ lời nguyền của làng, không có quyền ra cồn chim. Nếu vi phạm thì cả nhà tôi sẽ bị đuổi. Trở lại cồn chim lần ba, tôi thuyết phục chú Cồn về làng gặp bố tôi. Bàn bạc với các con mãi, cuối cùng chú cũng đồng ý. Về vào buổi tối, tôi muốn bố bất ngờ. Nhìn thấy chú, bố tôi thốt lên, nhưng chợt khựng lại. "Anh, anh không nên về đây". Tôi nói: "Kìa bố, bố con chú ấy cần cuộc sống. Họ chẳng có tội gì cả". Bố lắc đầu: "Có tội hay không, một mình bố không quyết được".

Lần gặp này thất bại. Chú Cồn nói sẽ không bao giờ quay về làng nữa.
*

*     *
Chuyện thành to, khi có người tố cáo bố tôi thân mật với chú Cồn. Bố tôi không thể nào thanh minh. Ông trách tôi: "Mày làm phúc phải tội rồi". Ông bị chỉ trích trong các buổi họp thôn. Tôi trách bản thân làm việc không thận trọng. Tôi cũng không thể nào nào biết được lý do, tại sao một số người lại căm thù mấy bố con chú Cồn đến thế. Cùng với những đe nẹt với gia đình tôi, người ta đã cử một số người bí mật theo dõi cồn chim. Mấy thanh niên về báo cáo tình hình: "Mấy đứa con đẹp như trong tranh, không bị hủi".

Tin ấy nhanh chóng lan ra. Bố tôi về nói với tôi: "Mày hại người ta rồi, làng định sẽ đuổi hẳn bố con chú Cồn, lấy lại cồn chim". Tôi đau điếng. Chẳng lẽ lại chính là tôi đã khơi mào cho những đau khổ của gia đình họ. Tối, tôi bí mật bơi sang cồn, gọi chú Cồn bằng một ám hiệu đã thỏa thuận. Tôi thông báo với chú tin đó. Bốn bố con giật thót. Tôi nói: "Cháu xin lỗi, đã làm hại chú". Chú Cồn kéo tôi ra sau nhà, bảo: "Không phải lỗi của cháu. Người làng không muốn rắc rối". Tôi thắc mắc về mối thâm thù mà họ dành cho chú. Chú Cồn kể: "Chú tâm sự với cháu điều này. Xưa mẹ chú đã chịu nhiều tủi nhục và lo âu rồi chết. Chú một mình lớn lên, và ba đứa nhỏ được chú nhặt về từ cánh đồng làng đó. Người ta đã sinh ra, rồi vứt bỏ chúng. Nhưng tai hại là, ông trời lại để chú biết ai từng hẹn hò với ai, và kẻ nào làm chuyện đó để rồi sinh con, vứt bỏ con. Có lẽ, ai thù chú thì người đó đích xác sợ chú nói ra sự thật. Nhưng chú chẳng nói đâu, bọn trẻ là tài sản của chú".

Câu chuyện mà chú Cồn kể xót xa vô cùng. Tội nghiệp chú. Không ai hiểu chú, và chẳng ai còn muốn sự hiện diện của bố con chú trên cõi đời. Vì bố con chú chứa đựng những bí mật đê hèn của họ. Tôi quay về, thấy bố ngồi sụp bên bậu cửa, mắt ông chong chong buồn.

- Sáng mai người ta sẽ đến cướp cồn - bố thông báo - thật là chuyện đau đầu. Bố ân hận vì ngày xưa đã vào hùa với bà con. Chú Cồn không có tội. Tội nợ là vì một số người quá ác.

Tôi bỏ ra góc sân, đứng nhìn trăng sao vành vạnh dán trên bầu trời. Chú Cồn chưa biết đi đâu. Ông đang tính. Tôi hồi hộp đợi chờ.

Sáng sau, trai tráng trong làng dùng thuyền sang cồn chim. Sự xuất hiện của họ khiến bầy chim tác tác bay. Những đống lửa đã được đốt, cho khói xuôi chiều gió tạt vào nhà chú Cồn. Họ dùng loa để đuổi mấy bố con: "Khôn ngoan thì hãy đi nơi khác, đây là đất của làng, người hủi không được phép ở đây". Tôi lao vào rừng khói, đi tìm bố con chú Cồn. Họ đang di chuyển, mắt nhắm mắt mở, sặc sụa ho vì khói.

- Chú và các em đi đây. Cháu về đi.

- Chú đi đâu? - tôi hỏi.

- Cuối sông, có những cồn khác, nghe nói bà con đánh cá ở  vùng đó rất quý người, chú sẽ đến đó. Sau này có điều kiện, cháu xuống chơi nhé.

Tai tôi ù đặc, mắt mờ nhòe. Tôi thấy đôi mắt trong như hai giếng nước của Xuân chất đầy nỗi buồn. Cả hai cậu em trai cũng vậy. Tại sao lại xua đuổi họ? Là họ bị bệnh, hay tâm hồn của người làng bị vấy bẩn, hay thói ích kỷ của người làng đã biến thành những con vi rút nguy hiểm. Thôi tạm biệt, mọi người đi đi, bình an, cháu sẽ tìm cách liên lạc. Bốn bố con chú Cồn dùng hai chiếc thuyền, với hành lý đủ đầy, hướng về phía bờ bên kia… Họ đi xa, bóng lẫn vào nước. Tôi nhảy ùm xuống sông. Bơi về, mặc người làng vẫn hò hét, xua đuổi.
*

*     *
Hai năm sau, làng nhiều người lâm bệnh nặng, khó chữa, khó hiểu. Không biết có phải trời phạt, chỉ thấy bố tôi rất buồn, lo lắng. Ông hỏi tôi thông tin về bố con chú Cồn. Tôi nói không biết. Nhưng tôi quyết định đi tìm họ. Xuôi dòng sông. Và tôi đã thấy bóng Xuân trên thuyền đánh cá. Gặp tôi, cô nở nụ cười tươi rói. Chú Cồn đang gỡ cá, cũng đón tôi niềm nở. Thật may, họ đã sống tốt, được cộng đồng ở đây đón nhận. Điều đó càng làm tôi nhói đau, khi nghĩ đến cộng đồng của làng mình. Họ gây họa, rồi đuổi mấy người tội nghiệp đi để che giấu bí mật. Nhưng làm sao che giấu được trời. Chỉ tội cho cây cối và lũ chim trên cồn. Giờ vẫn chẳng ai ngó ngàng hay đến đó. Cồn chim lại thành cồn không người.