Bà Nguyễn Thị Kim Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, thành viên xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương kể lại giây phút di sản của Việt Nam được 124 quốc gia dự họp đồng thuận tuyệt đối thông qua hồ sơ.
Ý tưởng xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những tập quán tinh thần cốt lõi, trở thành niềm tin của dân tộc bắt đầu từ năm 2010. Trong giai đoạn đó, đồng hành với việc tuyên truyền quảng bá cho hát Xoan, những người làm văn hóa đã học hỏi kinh nghiệm và nhận thức sâu sắc về di sản tổ tiên. Theo quy định của UNESCO và theo Luật Di sản văn hóa, Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể bao gồm các tập quán xã hội, nghi lễ và sự kiện lễ hội liên quan đến Hùng Vương. Trải qua bao thời kỳ, tín ngưỡng này vẫn ngự trị trong các đình, đền, miếu của từng ngôi làng trên khắp đất nước Việt Nam. Và ở mỗi nơi vào mỗi thời điểm, người dân lại thực hành nghi lễ theo cách riêng của địa phương, nơi dâng bánh chưng, bánh dày trong ngày vua Hùng hóa thánh; mổ lợn, làm cơm thờ các vị tướng thời vua Hùng như Cao Sơn, Ất Sơn, Đại Vương... để chứng tỏ nghĩa khí dựng xây ngàn đời. Song, theo TS Nguyễn Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: "Điều băn khoăn nhất của các thành viên xây dựng hồ sơ là chưa từng có tiền lệ công nhận tín ngưỡng là Di sản thế giới".
Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát thực tế, kiểm kê di sản ở các làng xã thuộc tỉnh Phú Thọ có tới 122 làng đang thờ Hùng Vương. Người dân địa phương coi đây là một việc làm thể hiện tấm lòng thành kính tri ân tiên tổ, nên rất nhiệt tình giúp đỡ các chuyên gia nghiên cứu. Đây chính là động lực để nhóm nghiên cứu xây dựng hồ sơ, vận động sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước.
TS Nguyễn Thị Minh Lý vẫn còn nhớ khoảnh khắc "12 giờ 10 phút giờ Paris (tức 16 giờ 10 giờ Hà Nội), ngày 6/12/2012, khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Phú Thọ được công nhận là di sản văn hóa thế giới, cờ đỏ sao vàng bay khắp hội trường cuộc họp. Tất cả thành viên đoàn Việt Nam ngồi im lặng bên nhau, cảm xúc thiêng liêng đến nghẹn lòng".
Như vậy, niềm tin tâm linh đã giúp cho Việt Nam vượt qua tất cả để chứng minh một cách rất thuyết phục với toàn thế giới: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.