Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Con đường ngoại giao" quan trọng của ông Putin có gì?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hội nghị thượng đỉnh ở Kazakhstan, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga-Trung dẫn dắt đã đưa ra tuyên bố cập nhật quan điểm về các vấn đề môi trường và quản trị toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã ký hàng chục hiệp định an ninh và thương mại trong hội nghị thượng đỉnh ở Astana, Kazakhstan.

Con đường ngoại giao quan trọng 

Ðược thành lập vào năm 2001, SCO có 9 quốc gia thành viên, 3 quốc gia quan sát viên và 14 đối tác đối thoại. Trải qua 23 năm hình thành và phát triển, SCO với sự dẫn dắt của Nga và Trung Quốc tham vọng trở thành cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả và là chủ thể quan trọng ở khu vực Á - Âu.

Theo Eva Seiwert, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, Đức, trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động tại Ukraine đã bước sang năm thứ ba, SCO trở thành con đường ngoại giao quan trọng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hội nghị hôm 4/7 đánh dấu việc Belarus gia nhập tổ chức, vốn đã bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan – một thành phần đặt cốt lõi của SCO ở Trung Á.

Hội nghị các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana vào ngày 4/7/2024. Ảnh: TASS
Hội nghị các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana vào ngày 4/7/2024. Ảnh: TASS

Sau hội nghị thượng đỉnh ở Kazakhstan, SCO đã đưa ra tuyên bố chung cập nhật quan điểm về các vấn đề môi trường và quản trị toàn cầu.

Theo tuyên bố được RT dẫn, các thành viên SCO có “những đánh giá chặt chẽ hoặc trùng khớp” về các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời tìm cách tạo ra một “trật tự quốc tế dân chủ, công bằng, chính trị và kinh tế mới”.

Các nhà lãnh đạo SCO cũng cam kết rằng chính phủ của họ sẽ không tham gia vào “bất kỳ quyết định nào nhằm can thiệp” vào công việc nội bộ của các quốc gia khác hoặc những quyết định “trái với luật pháp quốc tế”.

Liên Hợp quốc phải tiếp tục là diễn đàn quốc tế chính để điều phối quan hệ giữa các quốc gia. Tuyên bố nêu rõ: Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, cần phải có cải cách “để đảm bảo sự đại diện của các quốc gia đang phát triển”.

Mặc dù SCO lấy châu Á làm trung tâm nhưng cách tiếp cận của các thành viên trong việc xây dựng quan hệ không đối đầu “có thể đóng vai trò là cơ sở để tạo ra một cấu trúc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt ở Á-Âu”.

Các yếu tố bất ổn

Các nhà lãnh đạo SCO đã xác định một số yếu tố đằng sau sự bất ổn trên thế giới, bao gồm nỗ lực của một số quốc gia nhằm phát triển hệ thống chống tên lửa đạn đạo toàn cầu. Theo tuyên bố, SCO ủng hộ các thỏa thuận quốc tế về việc giảm thiểu và kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thế giới cần các cơ chế giám sát và thực thi tốt hơn để có quyền lực ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các quốc gia ký kết nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học.

Tuyên bố cũng cho biết SCO bày tỏ cam kết đối với việc sử dụng không gian một cách hòa bình, và “không được sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào”.

Thương mại công bằng

Tuyên bố Astana kêu gọi một hệ thống thương mại quốc tế “cởi mở, minh bạch, công bằng, toàn diện, không phân biệt đối xử và đa phương”. Các thành viên SCO không tán thành chủ nghĩa bảo hộ, các biện pháp trừng phạt đơn phương và các hạn chế thương mại khác.

Tài liệu nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt đơn phương nói riêng “không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế” và gây thiệt hại cho các bên thứ ba cũng như thương mại quốc tế nói chung.

Các nhà lãnh đạo SCO kêu gọi tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia và phát triển các hệ thống thanh toán sáng tạo để tạo thuận lợi cho thương mại.

Các thành viên cũng đặt mục tiêu hài hòa và tích hợp cơ sở hạ tầng thương mại điện tử và các bộ phận khác của nền kinh tế kỹ thuật số, đồng thời hợp tác để chống độc quyền kinh tế.

Tuyên bố của SCO cũng bao gồm một danh sách dài các lĩnh vực, từ năng lượng nguyên tử đến du lịch, chăm sóc sức khỏe đến quản lý chất thải, trong đó các quốc gia SCO hợp tác, nhằm tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững, nhằm mang lại tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.