Câu chuyện ATTP vì thế được đem ra mổ xẻ không biết bao lần với bao nguyên cớ khiến thực phẩm kém sạch. Nhưng vừa mới đây thôi, không ít người giật mình: Có một nguyên nhân nữa, ít được nhắc đến nhưng không kém phần quan trọng là đầu tư cho công tác quản lý, giám sát ATTP còn quá khiêm tốn.
Vấn đề ATTP chưa bao giờ hết “nóng”, nếu không muốn nói là ngày càng “nóng” khi mà ngộ độc, ung thư… vẫn ồn ào, tồn dư hóa chất trên nông sản vẫn vượt ngưỡng… Câu chuyện ATTP vì thế được đem ra mổ xẻ không biết bao lần với bao nguyên cớ khiến thực phẩm kém sạch. Nhưng vừa mới đây thôi, không ít người giật mình: Có một nguyên nhân nữa, ít được nhắc đến nhưng không kém phần quan trọng là đầu tư cho công tác quản lý, giám sát ATTP còn quá khiêm tốn.
Con số vừa được Cục ATTP công bố cho thấy, dù đã được quan tâm nhưng đầu tư kinh phí cho công tác quản lý còn rất thấp. Giai đoạn 2001 – 2005 là 780 đồng/người/năm, chỉ bằng 1/25 của Thái Lan là 1USD/người/năm. Giai đoạn 2006 – 2010 tăng lên khoảng 1.600 đồng/người/năm, nhưng đến năm 2014 lại bị cắt giảm 60% so với năm 2013. Tính ra giai đoạn 2011 - 2015, con số bình quân đầu tư cho quản lý ATTP chỉ 2.800 đồng/người/năm. Có người đã đem con số 2.800 đồng ấy ra chợ để thấy sự chênh lệch khó tả, người lại đặt vào chi phí của một bữa cơm gia đình giản dị để thấy chưa mua nổi một đĩa rau… Vậy mà con số đó lại được ấn định cho việc bảo đảm ATTP của mỗi người dân trong một năm ròng. Làm phép so sánh, dẫu đến 15 năm sau, mức chi của chúng ta cũng chỉ bằng số lẻ của Thái Lan. Ngay cả ở đất nước đông dân Trung Quốc, mức chi 100.000 đồng/người/năm cũng gấp 35 lần Việt Nam . Điều ấy phải chăng càng lý giải rõ hơn cho tình trạng thực phẩm chế biến ngậm hóa chất, rau nhiễm thuốc trừ sâu, thịt chứa chất tăng trọng, tôm cá tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng...
Với mức chi 2.800 đồng/người/năm, tính ra mỗi năm, 90 triệu người dân Việt được hưởng khoảng 252 tỷ đồng để bảo đảm ATTP. Con số ấy quả là không bõ bèn gì so với vấn nạn thực phẩm bẩn đầy nhức nhối hiện tại; không thấm vào đâu so với số tiền bỏ ra để ngăn chặn và điều trị căn bệnh ung thư đang rình rập trước cửa mỗi nhà…
Phải nói rằng, thời gian gần đây, nhà quản lý đã dành mối quan tâm đặc biệt cho chiến dịch xóa thực phẩm bẩn. Ngoài sự vào cuộc rầm rộ của truyền thông, thì các ngành chức năng cũng ra chợ, vào bếp ăn tập thể, nhà hàng, siêu thị… giám sát và kiềm chế thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Nỗ lực nhìn thấy tận mắt, song như các cụ ta vẫn nói “có thực mới vực được đạo”, nghĩa là rất cần có thêm kinh phí để có điều kiện nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra ATTP.