Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Con số chỉ là cái vỏ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nghị trường Quốc hội đã nóng về vấn đề nợ công. “Nóng” là bởi con số nợ công tính đến cuối năm 2017 là 3 triệu tỷ đồng và dự báo sẽ là 4,2 triệu tỷ đồng vào năm 2020.

 Nghĩa là trung bình mỗi người dân đang gánh 30 triệu đồng nợ công, rồi việc ngân sách phải vay nợ mới để trả nợ cũ, nợ chồng nợ...
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn.
Trước những băn khoăn của nhiều đại biểu (ĐB) khi nợ công hiện đã sát trần (hơn 60% GDP) là rủi ro lớn do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, huy động thuế, phí trên GDP giảm… Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình nhiều giải pháp với quyết tâm không phát hành số dư nợ tăng thêm, bảo đảm cân đối chi trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Bộ trưởng đưa ra con số cho thấy đang dần kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công, nếu như giai đoạn 2011 - 2015 tăng 18%, 2016 tăng 15%, thì đến 2017 chỉ tăng 9%.

Tuy nhiên theo các ĐB, những con số ấy chưa giải tỏa hết lo lắng khi vẫn thiếu những giải pháp mang tính đột phá. Bởi “những con số chỉ là cái vỏ, còn linh hồn là hiệu quả của đầu tư công”. Nợ công không xấu, nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, bởi khi đó vừa áp lực trả nợ tiền gốc và lãi, vừa trả bù lỗ cho các DN đầu tư không hiệu quả, ảnh hưởng xấu tới “sức khỏe” nền kinh tế, đồng thời ảnh hưởng tới uy tín trên trường quốc tế.

Như vậy, đi ra ngoài những con số, điều các ĐB muốn hướng tới là việc kìm hãm nợ công cần đi song hành với đầu tư công hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công. Tránh tình trạng, nhiều địa phương vừa qua vay để xây công trình lớn nhỏ, nhưng xây xong để đó, hiệu quả đầu tư không có. Nhìn từ giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính và “chia lửa” của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT có thể thấy, nhiều nỗ lực trong giải quyết các vấn đề tồn đọng này đang được triển khai. Sau khi có nghị định của Chính phủ, rồi Luật Đầu tư công, những dự án quyết định đầu tư kiểu tùy tiện đã giảm. Nhưng nợ đọng, ứng vốn của các giai đoạn trước hiện vẫn phải đang phải tập trung giải quyết. Các giải pháp minh bạch tài chính công, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công… vẫn cần sự hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý...

“Quan điểm chung là Chính phủ nói không với tăng trần nợ công” - khẳng định ấy của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận được sự đồng tình. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 về chủ trương giải pháp, cơ cấu nguồn ngân sách Nhà nước quản lý nợ công để đảm bảo nguồn ngân sách quốc gia an toàn và bền vững. Trong kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), thống nhất một cơ quan làm đầu mối quản lý, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm. Hy vọng, với những giải pháp và cam kết đã thể hiện, khuôn khổ pháp lý rõ ràng sẽ gắn kết giữa việc vay nợ với quản lý ngân sách Nhà nước, nâng hiệu quả đầu tư công. Khi đó, trách nhiệm chính đối với những khoản vay không trả được nợ, những khoản vay đầu tư không hiệu quả cũng sẽ rõ ràng. Vấn đề nợ công sẽ không “nóng” mãi trên diễn đàn Quốc hội.