Cơn sốt U16

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đội tuyển U16 Việt Nam đã kết thúc vòng đấu bảng U16 Đông Nam Á với vị trí nhất bảng sau 5 trận bất bại, trong đó có 4 chiến thắng.

Đây là kết quả khiến nhiều người bất ngờ và không giấu nổi sự tự hào, bởi trước khi sân chơi này diễn ra có quá ít niềm tin dành cho đội bóng trẻ Việt Nam.

Vô danh làm nên bất ngờ lớn

Ngày U16 Việt Nam lên đường đá giải U16 Đông Nam Á không có nhiều người biết đến họ. Trong đầu nhiều người yêu mến bóng đá Việt Nam, lứa cầu thủ U19 của Công Phượng, Tuấn Anh vẫn được xem là “khuôn vàng thước ngọc”, là chân lý cần phải hướng đến. Nói cách khác, người ta chỉ tin lò đào tạo của HAGL mới có thể cho ra đời những sản phẩm tinh túy, chất lượng cao, chứ không đủ niềm tin vào phần còn lại của bóng đá trẻ nước nhà. Vậy nên, khi U16 Việt Nam bằng sự vô danh của mình đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và đỉnh cao là việc hạ gục đội bóng hùng mạnh Australia thì tất cả đã phải ngỡ ngàng. Người ta tự hỏi: Ai dẫn dắt đội bóng này. Họ đến từ đâu mà lại làm được những điều không tưởng khi lần lượt hạ những đối thủ mạnh ở khu vực?
Một pha bóng trong trận đấu giữa U16 Việt Nam gặp Australia.
Một pha bóng trong trận đấu giữa U16 Việt Nam gặp Australia.
Ngày hôm qua, dư luận bóng đá Việt Nam chứng kiến một sự kiện xưa nay hiếm là trận đấu cuối cùng vòng bảng của U16 Việt Nam đã được K+ tường thuật trực tiếp. Ngay sau khi chứng kiến màn trình diễn ấn tượng của các cầu thủ trẻ Việt Nam, những lời kêu gọi mua bản quyền đã được dư luận phát đi. K+ - một đơn vị kinh doanh nhạy bén đã nắm lấy cơ hội đó để chiều lòng giới mộ điệu. Nhưng bản thân điều này đã cho thấy U16 Việt Nam đang khiến dư luận lên cơn sốt bởi lối chơi hiện đại, khoa học và rất tự tin.

Đầu tư lớn cho “sao mai”

Được biết, thành phần của lứa U16 hiện tại không có quân của HAGL nhưng vẫn có thể chơi thứ bóng đá kỹ thuật, đan lát và khoa học. Các cầu thủ của đội được tuyển từ lò Viettel, PVF, SLNA, Hà Nội T&T và cả VFF. Từ thực tế này cho thấy một điều, khi HAGL không thể cung cấp những sản phẩm hảo hạng thì bóng đá Việt Nam vẫn phải dựa vào những lò đào tạo còn lại. Ở một góc độ khác, các lò đào tạo trứ danh ở Việt Nam hiện nay đang làm rất tốt công việc của mình. Dù không thể nổi tiếng trên giới truyền thông bằng HAGL nhưng họ vẫn có thể đào tạo ra những cầu thủ thật sự chất lượng.

Vấn đề được nhiều người quan tâm lúc này là cần phải đào tạo, định hướng sao cho những cầu thủ măng non hiện nay trở thành những thương hiệu lớn của nền bóng đá. Trước mắt, các cầu thủ U16 Việt Nam sẽ tham dự Vòng chung kết U16 châu Á ở Ấn Độ vào tháng 9 tới. Họ phải có sự chuẩn bị về kinh nghiệm trận mạc, tư duy chiến thuật để sân chơi châu lục không hề quá tầm. Một tin vui với U16 Việt Nam là VFF đã quyết định gửi đội tuyển sang Trung Quốc tập huấn trước thềm sân chơi châu lục. Đây là sự cố gắng lớn của VFF khi mà họ không có được sự chống lưng của các nhà tài trợ giàu có như những gì bầu Đức đã làm với U19 HAGL.

Bên cạnh việc dành những điều kiện tập huấn tốt cho U16 Việt Nam, VFF còn định hướng lứa cầu thủ hiện tại sẽ trở thành những Công Phượng, Tuấn Anh mới. Họ sẽ đảm trách nhiệm vụ giành HCV SEA Games 2021 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Và từ nay cho đến thời điểm đó, một chiến lược dài hạn sẽ được xây dựng cho các cầu thủ “sao mai”.