Sản phẩm hấp dẫn
Số liệu thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong quý III/2019 mặc dù thị trường chứng kiến sự giảm sút cả về nguồn cung và số lượng giao dịch ở tất cả các dòng sản phẩm. Nhưng phân khúc condotel lại có sự tăng vọt về số lượng giao dịch, cụ thể: Trong số gần 3.700 sản phẩm mới được đưa ra thị trường, số lượng giao dịch đạt trên 3.500 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt 68,3% và tăng 56% về số lượng giao dịch so với quý II/2019.
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian này sản phẩm condotel đã xuất hiện ở một số thị trường mời, như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam… Trong khi đó, một số thị trường bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian trước, như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) đi vào trầm lắng, do sự kiểm soát, thanh tra chặt chẽ từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
Tại các thị trường bùng nổ quá mức trước đây, như: Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang)… đã khiến chính quyền và các cơ quan chức năng phải can thiệp mạnh, dẫn đến sự e ngại từ các nhà đầu tư. Các dự án luôn được xem xét kỹ lưỡng, khi đẩy đủ và đảm bảo tính pháp lý trước khi được mở bán.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Vũ Quang Vinh, tại những thị trường truyền thống đang bị siết chặt về các thủ tục pháp lý, nhưng ở những thị trường mới, khi các sản phẩm đủ điều kiện để đưa ra thị trường thì giao dịch lại đạt tỷ lệ cao.
“Như vậy có thể khẳng định, mặc dù là sản phẩm chưa thực sự rõ ràng về tính pháp lý nhưng lại có sự hấp dẫn đối với khách hàng, đặc biệt là những khoản cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư ở mức cao cũng là lý do khiến cho khách hàng khá thích thú khi đầu tư vào dòng sản phẩm này” - ông Vinh nhìn nhận.
Nhiều rủi ro
Số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, tính đến cuối quý III/2019, Bộ này đã thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở trên 120 dự án condotel và căn hộ văn phòng (officetel), với quy mô hơn 55.000 căn.
Về cấp giấy chứng nhận (GCN) đối với các loại hình bất động sản (BĐS) này, đa số trường hợp tổ chức, cá nhân mua condotel, officetel, resort villa (biệt thự du lịch), đều được cấp GCN sở hữu có thời hạn. Tuy nhiên, tại một số địa phương đã cấp GCN sở hữu lâu dài đối với condotel, resort villa không đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thơm (Hội Luật gia Việt Nam), pháp luật về đất đai chỉ quy định chung về chế độ, thời hạn sử dụng đất đối với công trình thương mại, dịch vụ, mà chưa có quy định riêng đối với condotel, resort villa và officetel. Do đó, trong thực tế đã xảy ra những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chế độ sử dụng đất và cấp GCN loại hình BĐS này.
“Trên thực tế chưa có quy định rõ ràng về việc condotel là đất thương mại dịch vụ hay đất ở. Trong khi đó, các chế tài xử lý hành vi vi phạm cũng chưa có quy định cụ thể, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định về quản lý, sử dụng và vận hành các condotel” - luật sư Thơm cho hay.
Cùng quan điểm, chuyên gia Vũ Quang Vinh cho rằng, chính vì chưa có sự rõ ràng về hành lang pháp lý, nên một số chủ đầu tư đã lợi dụng kẽ hở của luật trong quá trình kinh doanh. “Sự chưa rõ ràng về hành lang pháp lý đang gây ra khá nhiều rủi ro cho người dân và cả doanh nghiệp, trong đó người dân sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, có thể dẫn đến việc bị mất rất nhiều tiền nhưng không được thực sự sở hữu sản phẩm hoặc bị chính chủ đầu tư tự ý thay đổi hợp đồng” - ông Vinh nhận định.