Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công an cảnh báo 6 thủ đoạn lừa đảo dịp Tết Nguyên đán

T.Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong dịp chuẩn bị đến Tết Nguyên đán, các đối tượng lừa đảo tăng cường sử dụng mạng Internet để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng.

Công an Hải Phòng cảnh báo 6 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa
Công an Hải Phòng cảnh báo 6 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hải Phòng khuyến cáo người dân phòng ngừa 6 thủ đoạt lửa đảo qua mạng phổ biến trong dịp Tết như sau:

1. Giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp đưa ra các chương trình tri ân, tặng quà, khuyến mại trong dịp Tết: Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội hoặc gọi điện thoại mạo danh các công ty có thương hiệu như Công ty FPT, Siêu thị Điện máy xanh, Tokyo Life... thông báo các chương trình khuyến mãi, trì ân, tặng quả trong dịp Tết; tổ chức các cuộc thi hay thông báo khách hàng trúng thưởng các phần quà có giá trị cao như xe máy SH, điện thoại Iphone, sổ tiết kiệm có giá trị vài trăm triệu đồng... Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng cắt liên lạc với nạn nhân.

2. Kêu gọi đầu tư, tài chính, tiền ảo: Đối tượng lừa đảo lập ra các trang web, ứng dụng giao dịch tiền ảo, chứng khoán, ngoại hối... kêu gọi người dân tham gia đầu tư để thu lợi nhuận. Đồng thời mời người chơi tham gia các hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Telegram, Viber,... dùng nhiều tài khoản khác nhau làm “chim mồi", khuyến khích người chơi đầu tư. Ban đầu, các đối tượng để người chơi có lợi nhuận để tạo sự tin tưởng. Sau khi người chơi tham gia với số tiền lớn hơn, các đối tượng sẽ lấy lý do người chơi thao tác không đúng, hệ thống bị lỗi... khiến người dân không rút được tiền và bị mất hết số tiền đầu tư.

3. Lừa đảo qua hình thức quảng cáo, giới thiệu việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập... Thời gian cận Tết, lợi dụng nhu cầu của người dân muốn kiếm thêm thêm thu nhập chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Các đối tượng lừa đảo đăng tải rầm rộ các quảng cáo, tìm kiếm lao động thời vụ như: cắt mác quần áo, gấp phong bao lì xì, bình luận sản phẩm, đánh máy tài liệu... với hứa hẹn sẽ được nhận tiền công tay từ 100 nghìn đồng tới vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, việc làm nhẹ nhàng tại nhà, không phải đầu tư vốn... Sau khi chuyển khoản đặt cọc cho bên tuyển dụng thì các đối tượng cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân.

4. Lừa đảo bán máy bay, vé tàu xe giá rẻ... Đối tượng lừa đảo lập các trang web hoặc các fanpage giả mạo, quảng cáo về các gói combo tua du lịch, vé máy bay, vé tàu xe giá rẻ, ưu đãi với số lượng có hạn trong dịp Tết. Đáng chú ý, các đối tượng còn nhận là nhân viên của các hãng bay hoặc giả mạo là đại lý ủy quyền của các hãng nên có các ưu đãi chiết khấu cao, mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy. Để tạo lòng tin, các đối tượng đồng phạm giả làm khách đặt mua vé, bình luận trên các bài quảng cáo và chỉnh sửa hình ảnh các giao dịch thành công. Khi nạn nhân tin tưởng chuyển tiền, các đối tượng chặn liên lạc để chiếm đoạt tài sản, xóa toàn bộ dấu vết các tài khoản đã sử dụng liên hệ.

5. Lừa đảo cho vay tiền hoặc đổi tiền mới qua mạng... Càng gần Tết thi nhu cầu vay tiền để chỉ tiêu cá nhân, gia đình càng tăng cao. Các đối tượng lửa đảo đã lợi dụng việc này giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, đăng quảng cáo cho vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng. Sau đó, chúng tạo hình ảnh giả về việc vay tiền rồi yêu cầu người vay nộp trước nhiều khoản tiền như phí mở hồ sơ, phí bảo hiểm, vào số tài khoản chỉ định để được giải ngân. Sau khi chuyển tiền xong, người vay không nhận được tiền giải ngân và không liên lạc được với đối tượng.

6. Lập tài khoản mạng xã hội giả mạo hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo: Lợi dụng nhu cầu gần Tết có nhiều người ở nước ngoài muốn gửi tiền về cho gia đình, các đối tượng đã nhắm vào tài khoản mạng xã hội của các du học sinh, người đang sống ở nước ngoài, lập tài khoản mạng xã hội giả mạo hoặc chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội đó rồi nhắn tin cho gia đình, bạn bè hoặc người thân ở Việt Nam nhờ chuyển tiền giúp, dưa ra hứa hẹn mức phí dịch vụ “hoa hồng” rất cao. Bên cạnh đó, để tăng thêm lòng tin, trong nhiều trường hợp các đối tượng còn sử dụng công nghệ deepfake để tạo video giả mạo người thân để lừa đảo...

Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hải Phòng khuyến cáo người dân:

Thận trọng trước những thông tin trên mạng về việc khuyến mãi, trúng thưởng, nhận quả... trong dịp Tết, đặc biệt với những hướng dẫn để được nhận quả, phòng ngừa phát hiện các hành vi giả mạo để lừa đảo.

Kiểm tra kỹ thông tin đơn vị đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay, vé tàu xe, tour du lịch... Chỉ đặt vé hay đăng ký tại các cơ sở uy tín, có trụ sở rõ ràng.

Cảnh giác với các lời mời tham gia kiếm tiền trên mạng, đầu tư tài chính, tiền ảo, cho vay tiền qua mạng thủ tục nhanh, lãi suất thấp... để tránh sa vào các cạm bẫy lừa đảo. Bảo vệ các thông tin cá nhân; kiểm tra, cập nhật và sử dụng các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội... tránh bị kẻ xấu chiếm đoạt phục vụ hoạt động lừa đảo.

Kiểm tra kỹ trước các lời đề nghị trên mạng xã hội của người thân khi đề nghị vay tiền, chuyển tiền để phòng ngừa các hoạt động giả mạo.

Khi nhận được các thông tin nghi ngờ là hoạt động lừa đảo, cần liên hệ ngay và cung cấp thông tin với cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra, xử lý hoặc số điện thoại Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao: 069.278.5415.