Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công an Hà Nội: Tăng cường quản lý, xử lý nghiêm vi phạm về phòng cháy chữa cháy

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hạn chế xảy ra cháy và hậu quả do cháy gây ra, Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an Hà Nội yêu cầu các lực lượng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và PCCC đối với cơ sở có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao; kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các vi phạm an toàn PCCC.

Gần 2,5 tỷ đồng thiệt hại do cháy
Ngày 30/7, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, kết quả thực hiện Chương trình số 15/CTr UBND ngày 17/1/2020 của UBND TP Hà Nội về công tác PCCC, CNCH năm 2020.
Các lực lượng làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ cháy ở Công ty TNHH Song Ngân (địa bàn huyện Gia Lâm xảy ra ngày 7/5).
Tại Hội nghị, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội) cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 204 vụ cháy, gây tử vong 6 người và làm 12 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính gần 2,5 tỷ đồng... So với cùng kỳ năm 2019 giảm 74 vụ cháy, giảm 8 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm hơn 38 tỷ đồng; So với 6 tháng trước, số vụ cháy giảm 81 vụ, giảm 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm hơn 194 tỷ đồng. Địa bàn xảy cháy chủ yếu ở nội thành xảy ra 123 vụ, chiếm 60,3% số vụ cháy; ngoại thành xảy ra 81 vụ, chiếm 39,7% số vụ cháy.
Lực lượng chức năng phân tích, loại hình cơ sở xảy ra cháy được tập trung vào nhà dân với 120 vụ; nhà kho, xưởng sản xuất 22 vụ; hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh 12 vụ; phương tiện giao thông 9 vụ; chung cư, nhà cao tầng 5 vụ; cơ sở kinh doanh (cửa hàng, kiot) 5 vụ; cháy rừng xảy ra 5 vụ; cháy văn phòng, trụ sở làm việc 3 vụ; quán karaoke 3 vụ; nhà hàng, quán ăn 3 vụ; nhà tập thể 2 vụ; khách sạn, nhà nghỉ 2 vụ; cơ sở thờ tự 2 vụ…
“6 tháng đầu năm 2020, số vụ cháy giảm so với năm 2019 song vẫn có một số vụ cháy phức tạp, nghiêm trọng. Điển hình vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Song Ngân, tại địa bàn huyện Gia Lâm xảy ra ngày 7/5; vụ cháy tại kho hóa chất Đức Giang tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên vào ngày 30/6”, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đánh giá.
Theo vị đại diện, đối với các cơ sở cháy nêu trên, mặc dù lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động, đúng quy trình, quy định, tuy nhiên vẫn còn tồn tại vi phạm. Do đó, cần phải kiên quyết hơn để tránh hậu quả cháy, nổ xảy ra. Cụ thể, cơ sở kho hóa chất tại Đức Giang chưa xác định đầy đủ tồn tại của cơ sở, nên đánh giá về điều kiện an toàn PCCC chưa chính xác; chưa kiến nghị cơ sở khắc phục tồn tại phù hợp với điều kiện an toàn PCCC thực tế của cơ sở và sau khi quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở chưa có biện pháp xử lý triệt để, đảm bảo việc chấp hành quy định.
Có “biện pháp mạnh” với kho xưởng tiềm ẩn cháy nổ
Về 2 vụ cháy lớn nêu trên, Phó Giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh: Kho hóa chất đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Công tác chữa cháy đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự khẩn trương, phối hợp của các lực lượng nên đã ngăn cháy lan và khống chế thành công các vụ cháy. Trong thời gian tới, công tác rà soát kho xưởng và các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy phải được thực hiện tốt hơn nữa, đồng thời có giải pháp hiệu quả đối với các cơ sở, kho xưởng trong diện bị tạm đình chỉ và có quyết định đình chỉ để hạn chế cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Lực lượng Cảnh sát PCCC làm nhiệm vụ tại vụ cháy kho hóa chất Đức Giang (ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) vào ngày 30/6.
Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, nhận thức rõ tầm quan trọng trong công tác PCCC và CNCH, thời gian qua, Công an TP đã chủ động phối hợp với các Sở, ban - ngành, UBND các quận huyện, thị xã tổ chức kiểm tra liên ngành 406 lượt cơ sở; chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã kiểm tra an toàn về PCCC 26.488 lượt cơ sở, lập 26.488 biên bản, phát hiện 10.249 tồn tại vi phạm về PCCC, ra quyết định xử phạt 1.561 trường hợp với số tiền phạt gần 10 tỷ đồng. Cùng với đó là biện pháp mạnh tạm đình chỉ 179 lượt cơ sở, đình chỉ 98 lượt cơ sở, ban hành 2.846 công văn kiến nghị, yêu cầu cơ sở khắc phục.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cũng chỉ ra những tồn tại và hạn chế về một số nhiệm vụ, trong đó công tác tham mưu phục vụ cấp ủy, chính quyền có việc mới dừng lại ở ban hành văn bản chỉ đạo, việc kiểm tra đôn đốc cơ sở, tổng kết đánh giá còn yếu nên hiệu quả thực hiện tại cơ sở nhất là cấp phường, xã, thị trấn còn hạn chế…
Trong 6 tháng đầu năm 2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện một số nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nên mức độ chuyển biến trong nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu và nhân dân về công tác PCCC còn hạn chế. Công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC có tiến bộ song chưa có những mô hình tiêu biểu nổi bật cấp thành phố để nhân rộng.
Để hạn chế xảy ra cháy và hậu quả do cháy gây ra, Phó Giám đốc Công an Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng như đối với lực lượng cơ sở, người đứng đầu cơ sở phải đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC cho cơ sở theo quy định của pháp luật. Cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và PCCC đối với cơ sở có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các vi phạm an toàn PCCC.
Đối với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, cần chủ động đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản hơn nữa, khảo sát nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy hiệu quả; Tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng y tế cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH...
Đại diện Phòng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội) cho hay: Nguyên nhân cháy do chập điện 128 vụ; sơ xuất khi sử dụng lửa 16 vụ; hàn cắt 2 vụ; sơ xuất khi sử dụng nguồn nhiệt 1 vụ; rò rỉ gas 1 vụ; sự cố va chạm giao thông 1 vụ; đốt 1 vụ; đang điều tra 54 vụ.