Giới chuyên gia nhận định, giống như chây ì khắc phục phòng cháy chữa cháy, việc chậm chuyển trả quỹ bảo trì cần sự cứng rắn giữa cư dân cùng cơ quan quản lý.
9 công trình còn “nợ” quỹ bảo trì 2% của cư dân(Theo Văn bản số 348/TB-SXD (QLN) của Sở Xây dựng)Công ty CP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) - CĐT dự án xây dựng nhà chung cư CT1 khu nhà ở Trung Văn - phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm; Công ty CP Sông Đà - Thăng Long, Công ty CP Đầu tư xây dựng Ba Đình số 1 là CĐT nhà chung cư CT5AB khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông; Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà - CĐT cụm nhà chung cư Bắc Hà C14, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm; Công ty CP Cơ khí xây dựng số 18 (COMBA 18), CĐT nhà chung cư Westa, phường Mộ Lao, quận Hà Đông; Liên danh Công ty CP ĐT Kinh doanh và phát triển Hạ tầng Phúc Hà - Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Nam (Vinaconi), CĐT dự án chung cư Nam Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông; Công ty CP Xây dựng số 1 sông Hồng, CĐT dự án Nhà chung cư CT3 Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm; Công ty CP Sông Đà 1.01, CĐT dự án chung cư Hemisco, phường Phúc La, quận Hà Đông; Công ty CP Xây dựng số 2 - Vinaconex, CĐT Tòa tháp C1 - VC2 Golden Silk khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. |
Trước đó, chung cư Star city (81 Lê Văn Lương) cũng nổi đình nổi đám về hành trình hơn 3 năm ròng rã đòi quỹ bảo trì (nhưng đến nay chưa có kết quả). “Ước tính quỹ 2% (khoảng 30 tỷ đồng) liên tục bị đá bóng trách nhiệm. Cực chẳng đã, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư với nội dung được khởi tố hình sự cho hành vi chiếm dụng quỹ bảo trì, cư dân buộc phải thực hiện đơn tố giác gửi cơ quan công an” - bà Đinh Thị Cẩm Vân, thành viên BQT chung cư Star City bức xúc.
Được biết, Star city được Công ty CP Đầu tư & Thương Mại Vneco (Vneco) quản lý, vận hành. Ocean Group đứng ra bán căn hộ thuộc dự án theo hợp đồng góp vốn giữa hai bên được ký ngày 7/11/2009. Tính từ thời điểm cư dân sinh sống ổn định, hồ sơ thiết kế, hoàn công, kinh phí bảo trì chưa được Vneco Hà Nội lẫn Ocen Group công khai.
Theo nhận định của những người trong nghề, 2% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ, phí bảo trì chung cư một dự án trung bình thu được cả chục tỷ đồng. Riêng những chung cư cao cấp, quỹ bảo trì có khi lên đến hàng trăm tỷ đồng… Nhẩm nhanh, chỉ cần gửi tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất 6 – 7%/năm, với đơn vị chục tỷ đồng đã mang lại cho CĐT khoản tiền lãi chừng 2 - 5 tỷ đồng mỗi năm (!). Đây hẳn là số tiền không nhỏ nên CĐT cố tình phớt lờ quy định để "om" quỹ.
Ông Đỗ Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2018 Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND TP đề nghị ban hành văn bản yêu cầu các CĐT trên bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị. Nhưng đến thời điểm này, các CĐT vẫn chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng trong việc bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị. "Từ diễn biến “om” quỹ bảo trì ngày càng có dấu hiệu cực đoan của CĐT, Sở Xây dựng đã công khai 9 công trình cao tầng trên địa bàn TP" - ông Đỗ Chí Dũng cho hay.
Giao cho “người có tóc”Hiện Sở Xây dựng Hà Nội đã trình TP phương án cưỡng chế qua tài khoản của 9 dự án chây ì không trả kinh phí bảo trì của người dân. Danh sách những công ty bị cưỡng chế đợt này phần lớn do bị cư dân tố cáo lên các cơ quan chức năng và TP Hà Nội. Cộng đồng cư dân các tòa nhà vì thế cần thông báo thông tin chây ì kinh phí bảo trì lên các cơ quan chức năng sớm, để các đơn vị này có sự can thiệp, công khai kịp thời, tránh việc CĐT sử dụng tiền vào việc khác khó thu hồi lại. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn tính đến phương án không cấp phép dự án mới, cưỡng chế, ngừng thi công đối với dự án có dấu hiệu thiếu “khỏe mạnh” về tài chính, chây ì quỹ bảo trì của cư dân.
Trong một diễn biến liên quan, việc công khai danh sách DN nợ quỹ bảo trì của cư dân thực tế ghi nhận có hiệu quả nhất định. Đối với các CĐT còn khả năng thu – chi, biện pháp “đánh” vào hình ảnh, uy tín khiến họ lo lắng thật sự. Bởi, sức ép kép từ truyền thông, cư dân, cơ quan quản lý vô hình chung sẽ khiến các dự án tiếp theo của đơn vị này bị… chậm giao dịch.
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam phân tích, mấu chốt để giải quyết tận gốc rễ là thực thi ngay từ khi còn trứng nước. Đó là, cần phải có quy định chặt chẽ việc thu – nộp phí bảo trì ngay từ khi người dân mua nhà. Không thể chờ đến khi vào ở, tiền vào tay CĐT hết mới “rồng rắn lên mây” kéo nhau đi đòi số tiền này. “Công khai, cưỡng chế tài sản hay khởi tố hình sự chỉ có thể áp dụng răn đe với DN bất động sản còn "khỏe mạnh", còn với DN có dấu hiệu "chết lâm sàng", họ đâu có sợ. Do đó, phải để người dân nắm đằng chuôi thay vì cầm đằng lưỡi. Lên phương án cho một bên thứ 3 đứng ra giữ quỹ (tức giao cho người có tóc). Tuyệt đối ngăn chặn việc sử dụng số tiền trong tài khoản đó. Hiểu đơn giản, nguồn tiền chỉ được thiết lập “chiều vào”, khóa “chiều ra”, đảm bảo còn nguyên vẹn khi dân bầu được Ban Quản trị” – ông Hùng nhấn mạnh.