Công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành đại học năm 2020: Phổ điểm trúng tuyển từ 17 - 28 điểm

Oanh Trần – Minh Tốt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (5/10) các trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành ĐH chính quy năm 2020. Chiều qua 4/10, nhóm xét tuyển 52 trường ĐH miền Bắc đã họp và thống nhất điểm chuẩn, theo đó, nhiều ngành có điểm trúng tuyển lên tới 29, 30.

Các thí sinh được tư vấn chọn ngành vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh
Điểm chuẩn trường top trên, cao nhất lên tới 29,04 điểm
Nhận xét về điểm trúng tuyển năm nay, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Công tác xét tuyển của nhóm 52 trường ĐH diễn ra trôi chảy, chính xác, khách quan. Những trường top cao có điểm chuẩn trúng tuyển tăng trung bình từ 1 - 2 điểm so với năm 2019, những trường top khác có điểm bình ổn trải dài từ 15 – 23. Đối với trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành đều tăng như nhà trường đã dự đoán trước đó. Ông Nguyễn Phong Điền cho biết: So với năm ngoái, điểm trúng tuyển của trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cao hơn năm 2019 từ 1 – 3 điểm, tùy theo từng ngành, chương trình đào tạo. Điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành CNTT: Khoa học máy tính là 29,04 điểm; tiếp đến là các ngành CNTT: Kỹ thuật máy tính 28,65 điểm, CNTT (Global ICT) 28,38 điểm, ngành Kỹ thuật Điều khiển – Tự động hóa 28,16 điểm.

Đúng như dự đoán trước đó, điểm chuẩn vào các ngành của trường ĐH Y Hà Nội tăng từ 2 – 3 điểm, tùy theo từng ngành. GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho hay: Ngành Y tế công cộng và ngành Điều dưỡng tại Phân viện Thanh Hóa có điểm chuẩn thấp nhất là 22,4 điểm; ngành Y đa khoa có điểm trúng tuyển cao nhất, xấp xỉ 28,9 điểm, Răng Hàm Mặt 28,65 điểm. “Nhà trường đang chờ lọc ảo toàn quốc lần cuối rồi công bố điểm trúng tuyển từng ngành. Kết quả lọc ảo ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội chiều 4/10 chỉ là khu vực nhóm các trường ĐH phía Bắc” – GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho hay. 2020 là năm trường ĐH Kinh tế quốc dân có điểm chuẩn cao nhất trong những năm vừa qua khi thực hiện xét tuyển sinh từ điểm thi THPT quốc gia. Từ nhận định này, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: Điểm chuẩn trúng tuyển năm 2020 tăng từ 1 – 3 điểm, còn cao hơn cả năm 2017 có đề thi dễ. Ngành Logictics và Quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn cao nhất là 28,0 điểm. Các ngành Kinh tế quốc tế 27,75 điểm, Kinh doanh quốc tế 27,8, Kinh tế quốc tế 27,7, Quan hệ công chúng là 27,6 điểm, Marketing là 27,55 điểm.

Kỷ lục ngành xã hội điểm chuẩn lên tới 30 điểm

Năm nay, phổ điểm chuẩn trúng tuyển của các trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội rất rộng. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Nhìn chung, dải điểm từ 17 – 18 cho đến 28 điểm. Những ngành có sức hấp dẫn lớn như Y – Dược có điểm chuẩn tương đối cao từ 26 điểm trở lên. Một số ngành như Liên kết quốc tế, Công nghệ, điện tử, địa chất, Khí tượng, Môi trường điểm thấp hơn một chút khoảng dưới 20 điểm. GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Khoa học XH&NV thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: Năm nay, nhà trường nhận được số hồ sơ nguyện vọng xét tuyển vào trường về cơ bản không thay đổi nhiều so với năm ngoái chỉ tiêu của trường cũng ổn định. Rất ngạc nhiên là nhà trường tuyển một số ngành cơ bản khối A01 có điểm trúng tuyển lên đến 24,75 điểm. Ví dụ như ngành Tâm lý học, khối C dao động từ 21 - 30 điểm; khối D có một tín hiệu rất mừng là điểm rất cao và phần lớn rơi vào 24,25 điểm; khối D78 lai giữa khoa học xã hội nhân văn với ngoại ngữ có điểm chuẩn từ 18 - 26 điểm. GS Hoàng Anh Tuấn thông tin thêm: Những ngành truyền thống có độ hấp dẫn cao như Hàn Quốc học 30 điểm, Đông Phương học 29,75 điểm, Quan hệ công chúng 29 điểm, Báo chí 28,5 điểm, Quản trị văn phòng 28,5 điểm, Khoa học quản lý 28,5 điểm.

Với điểm trúng tuyển cao, đã có những trường nghĩ đến việc có thêm phương án tuyển sinh riêng cho năm 2021. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa cho hay: Sang năm nhà trường sẽ kết hợp 3 phương án: 1 là kết hợp kỳ thi THPT quốc gia, nếu các điều kiện kỹ thuật cho phép; xét tuyển theo hồ sơ tài năng gồm những em học sinh học giỏi từ cấp tỉnh trở lên, đội tuyển Olympic quốc tế tuyển thẳng, học sinh có học lực giỏi ở các trường chuyên; thi riêng và xét tuyển riêng hoàn toàn. Còn GS Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, nhà trường sẽ phải cân nhắc. Tùy theo cái quy chế tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, tình hình cụ thể. Tuy nhiên một mình trường ĐH Y Hà Nội tổ chức thi riêng là không thể, bởi khá phức tạp. Nếu mà kỳ thi THPT quốc gia mà vẫn đảm bảo được chất lượng thì đó cũng là một căn cứ quan trọng để xét tuyển sinh. Nếu sử dụng hình thức xét tuyển nào khác, nhà trường sẽ xem xét trong thời gian tới.