Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố tiền sử bệnh tật các ca Covid-19 tử vong: Quyền riêng tư

Nguyễn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/8, tin vui hiện diện khắp trên trang nhất các báo điện tử: Việt Nam sáng nay không có ca mắc SARS-CoV-2 mới. Mong niềm vui nối tiếp niềm vui… Tuy nhiên, điều băn khoăn nho nhỏ là tại sao khi công bố người tử vong chúng ta lại phải cứ nêu rõ bệnh tật cụ thể của họ, dù tên tuổi đã được giấu?

 Ảnh minh họa
Có lẽ ngành y tế khi nêu bệnh nhân X, Y hay Z nào đó tử vong có liên quan đến SARS-CoV-2 có mang theo bệnh nền với mục đích chính là trấn an dư luận, rằng sự ra đi của người bệnh không phải chỉ vì độc lực của virus mới này. Cũng có thể, đây chỉ là một thông báo khách quan, tỉ mỉ nhằm cho mọi người dân biết diễn biến của dịch bệnh. Nói gì thì nói, thông báo chi tiết bệnh sử của người bệnh trên các phương tiện truyền thông là không thật sự cần thiết. Giảng viên cao cấp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh - PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam chia sẻ: “Chúng ta chỉ cần thông báo là người bệnh tử vong liên quan đến SARS-CoV-2 có kèm theo bệnh nền là được rồi, không cần thiết phải nêu đó là bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường hay ung thư… Những thông tin đó chỉ cần cho người nhà biết hoặc để giới y khoa biết phục vụ cho nghiên cứu, điều trị bệnh. Trong hành nghề y khoa, chúng tôi cũng chỉ thông báo tình hình bệnh nhân trong trường hợp cần thiết”.
Người dân ai cũng hiểu, các thầy thuốc Việt Nam trong cứu chữa bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 luôn tận tâm, tận lực với khả năng chuyên môn rất cao. Đây là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung của y tế toàn cầu, với bằng chứng là tỷ lệ ca tử vong rất thấp, nhiều ca bệnh khó đã được cứu sống một cách kỳ diệu. Bởi vậy, người dân hoàn toàn tin vào các thầy thuốc Việt Nam cả về trong lĩnh vực y học dự phòng lẫn trong lĩnh vực điều trị. Do đó, không cần thiết phải nêu thật chi tiết bệnh nhân tử vong do những bệnh nền gì kèm theo.
Cũng xin nhắc nhớ, trên các kênh truyền thông chính thống, tên người nhiễm virus và tử vong do virus đã đuợc thay thế bằng con số thứ tự. Còn trên mạng xã hội, nhất là thời gian trước đây, tên tuổi, thậm chí hình ảnh người bệnh sinh hoạt, nhà của người bệnh… được phơi bày. Đây là điều phải xem xét, vì có khi vi phạm đến quyền riêng tư đã được pháp luật bảo vệ.
Cũng trong mùa dịch bệnh, cũng nói đến quyền riêng tư, chúng ta còn nhớ bệnh nhân người Anh - bệnh nhân 91 trước khi về nước yêu cầu không tiếp xúc với giới báo chí, chỉ có 1 nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy là được chụp ảnh, không chụp hình, nhận hoa lưu niệm… Mọi người đều biết, bệnh nhân này nằm viện nhiều tháng ở Việt Nam, được các thầy thuốc tận tình cứu chữa, đưa anh từ cõi chết trở về một cách khó tưởng tượng. Đây là ca bệnh khiến báo chí nước ngoài thán phục về trình độ y - bác sĩ Việt Nam, về lòng nhân ái Việt Nam. Có lẽ do vậy, khi người bệnh đưa ra yêu cầu nói trên, nhiều người đã cho anh là người vô ơn?
Cứu chữa người bệnh là trách nhiệm, là tấm lòng của bất cứ thầy thuốc nào trên thế giới, ở đây không phải là chuyện ơn nghĩa. Người bệnh sau khi về nước cũng đã phát biểu cảm ơn các y - bác sĩ Việt Nam, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam tự đáy lòng. Mà ở đây là quyền riêng tư của mỗi con người: Họ muốn trở về lặng lẽ, yên ổn sau những ngày cận kề cái chết. Xin nói thêm, rất nhiều người bệnh sau cơn ốm nặng, sau phẫu thuật thường rối loạn tâm thần, nghỉ ngơi là điều cần thiết để phục hồi sức khỏe. Lúc này họ không có tâm trạng nào để vui vẻ. Thêm nữa, công dân các nước phát triển rất ý thức được quyền riêng tư của mình.
Thực tế, người Việt Nam thường “chín bỏ làm mười”, nhất là khi đang lấy việc phòng chống dịch làm trọng, nhiều tiểu tiết được bỏ qua. Nhưng dù sao, chúng ta cũng cần thận trọng khi có động thái nào đó ảnh hưởng đến mỗi cá nhân.