Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, dự thảo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) được soạn thảo công phu, khoa học, bố cục chặt chẽ. Nhiều đại biểu nêu ý kiến: Người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần nêu lý do, chỉ cần báo trước để người sử dụng lao động bố trí người thay thế. Việc tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án Nhân dân giải quyết. Về việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình cần được cụ thể hóa đến từng nhóm đối tượng đặc thù, lĩnh vực ngành nghề.
Nêu ý kiến của người lao động, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho rằng, cần nới rộng khung giờ làm thêm (nhiều nhất là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do yêu cầu sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận thì mở rộng đến 400 giờ/năm) để người lao động cải thiện thu nhập; kèm theo quy định rõ khung lương tương ứng với số giờ làm thêm để bảo đảm quyền lợi của người lao động…
Theo Trưởng ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng, quan điểm của LĐLĐ TP Hà Nội là khi tham gia sửa đổi Bộ Luật lao động năm 2012, phải kiên trì và quán triệt 3 nguyên tắc: Thứ nhất, khi sửa đổi Bộ Luật lao động không làm suy giảm và mất đi các quyền lợi của người lao động đã được pháp luật khẳng định trong thực tiễn thi hành. Thứ hai, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của tổ chức CĐ trong quan hệ lao động. Thứ ba, khi xây dựng luật phải xác định người lao động là thế “yếu” để có những quy định cho phù hợp, thể hiện bản chất nhân văn tốt đẹp của chế độ XHCN của nước ta.
Thời gian qua, LĐLĐ TP Hà Nội đã phối hợp tích cực với UBND TP và các sở, ban, ngành Thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định về pháp luật lao động đối với CNLĐ, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thời gian qua cũng có những diễn biến mới phức tạp.
Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, đáng chú ý ở khu vực tư nhân, công ty TNHH có quy mô nhỏ; một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của hệ thống pháp luật và sự thiếu quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước địa phương để có tình vi phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ và an sinh xã hội.