Kinhtedothi - Những động thái gây hấn liên tiếp, làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc như hạ đặt trái phép giàn khoan và điều nhiều tàu trong đó có tàu quân sự, máy bay trong vùng biển Việt Nam; công bố bản đồ mới 10 đoạn nhằm đơn phương thực thi các tuyên bố chủ quyền của nước này ở vùng biển tranh chấp đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Philippines sẽ tiếp tục phản ứng thích hợp
Bộ Ngoại giao Philippines vừa khẳng định, hành động của Trung Quốc là hoàn toàn không thể chấp nhận được và cho biết, sẽ tiếp tục phản ứng thích hợp về động thái gây hấn này. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, tấm bản đồ mới 10 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông là "tham vọng bành trướng vô lý", đi ngược lại với luật pháp quốc tế và vi phạm Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia.
Tấm bản đồ 10 đoạn theo khổ dọc do tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc phát hành, trong đó ngang nhiên đưa gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông vào phạm vi cái gọi là "chủ quyền" mà Bắc Kinh yêu sách, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển ở Biển Đông. Đây không phải là lần đầu tiên, Trung Quốc có hành động như vậy. Việc nước này đính kèm một bản đồ ôm hầu hết Biển Đông trong hộ chiếu cấp năm 2012 đã dẫn đến làn sóng phản đối gay gắt của các nước láng giềng.
ASEAN bày tỏ quan điểm rõ ràng về Biển Đông
Sáng 27/6, cuộc họp SOM ASEAN đặc biệt về vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng chiến lược về cấu trúc khu vực trong tương lai đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của các quan chức cấp cao trong khối ASEAN.
Ngay sau cuộc họp, ông Aung Lynn - Trưởng đoàn SOM Myanmar đã có cuộc gặp ngắn với truyền thông để giới thiệu về nội dung cuộc họp. Theo đó, các quan chức tham dự sự kiện này đã nhấn mạnh đến cách thức duy trì vai trò trung tâm của ASEAN khi tương tác với các đối tác bên ngoài, mang lại hòa bình và ổn định cho cả khu vực. Liên quan đến vấn đề đang diễn ra trên Biển Đông, ông Lynn nhấn mạnh rằng, trọng tâm của cuộc họp là bàn về vai trò trung tâm của ASEAN, thảo luận bức tranh tổng thể về vai trò đó và mối quan hệ giữa ASEAN và các cường quốc. Tuy nhiên, ông Lynn cũng khẳng định quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông là rất rõ ràng, với Nguyên tắc 6 điểm. Ông nói: ASEAN đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây trên Biển Đông, và mong muốn của ASEAN là sớm đạt được một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Đồng thời, cho biết vai trò của ASEAN đã được các cường quốc, trong đó có Trung Quốc công nhận và ủng hộ.
Ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình
Trước đó, trong cuộc hội đàm với Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hôm 26/6, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Vladimir Dzhabarov đã khẳng định: "Hội đồng Liên bang Nga nhất quán ủng hộ sự bình đẳng trong quan hệ quốc tế". Các Thượng nghị sĩ Nga cũng bày tỏ hy vọng về một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phát sinh trong không gian châu Âu cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đến thăm và làm việc với ông Antonio Filipe - Phó Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha, TS Joana Marques - Viện trưởng Viện Công tố Bồ Đào Nha, ông Joaquim Jose Coelho de Sousa Ribeiro - Chánh án Tòa Hiến pháp Bồ Đào Nha. Tại các buổi làm việc, các nhà lập pháp nước này cho biết, Quốc hội Bồ Đào Nha lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa và lẽ phải của Việt Nam và cho rằng hành động của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến quan hệ và an ninh hàng hải và an ninh khu vực. Quốc hội Bồ Đào Nha cho rằng, hai bên cần tiếp tục kiên trì các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trong luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay tại Biển Đông.
Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg (giữa) và tướng Emmanuel Bautista (trái) - Tham mưu trưởng quân đội Philippines cùng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Ảnh: AFP
|