Một thực trạng đáng báo động hiện nay là tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật trong các NLT diễn ra phổ biến. So với thời điểm trước sắp xếp, diện tích tranh chấp tăng 2.109,7ha, bị lấn chiếm tăng 1.056,2ha. Nguyên nhân tăng do DN không quản lý được, dân tự vào khai thác trồng cây hoặc đến chu kỳ khai thác xong người nhận giao khoán tự tổ chức trồng tái canh trước sự bất lực của DN. Ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT cho biết, trước đây việc giao đất cho các NLT không cụ thể, chủ yếu giao trên giấy tờ, bản đồ có độ chính xác thấp, dẫn đến giao trùm lên đất của các hộ gia đình.
Theo Bộ TN&MT, tính đến năm 2011, cả nước có 664 NLT và ban quản lý rừng quản lý sử dụng hơn 6,8 triệu ha đất. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp hơn 6,4 triệu héc ta, chiếm 94,25%, đất phi nông nghiệp gần 76.000 ha, chiếm 1,11%, đất chưa sử dụng và đất mặt nước ven biển gần 316.000 ha, chiếm 4,63%. Ngoài ra, cả nước có 82 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn sinh thái, diện tích gần 1,9 triệu héc ta. |
Trong quá trình sử dụng, việc quản lý đất đai của các NLT lỏng lẻo, để dân lấn chiếm, nhiều nơi rất nghiêm trọng, nhất là các NLT ở các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều NLT không quản được hợp đồng giao khoán, để xảy ra tình trạng chuyển nhượng tự do, chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở, công trình dịch vụ, gây bức xúc trong xã hội... Theo quy định của Luật Đất đai, các tổ chức kinh tế sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối phải chuyển sang thuê đất hoặc giao đất có thu tiền, song việc thực hiện quy định này còn chậm, đến nay còn khoảng 50% NLT với khoảng 75% diện tích chưa chuyển sang thuê đất...
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị xác định một trong những trọng tâm về sắp xếp đổi mới và phát triển DN đến năm 2005 cơ bản hoàn thành việc rà soát, cắm mốc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển sang thuê đất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Doanh, do lịch sử hình thành các DN quốc doanh cũng như quá trình tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, đến nay chưa thực hiện được mục tiêu đề ra. Để tháo gỡ khó khăn, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN về quản lý sử dụng đất đang rà soát đánh giá toàn diện thực trạng đất đai cũng như việc cắm mốc, cấp giấy chứng nhận, từ đó tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa yêu cầu các DN, NLT quốc doanh phải công khai, minh bạch việc cho thuê, cho mượn, liên doanh liên kết... Từ đó, mới có thể đổi mới, quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất NLT hiệu quả.