Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 58/2016/QĐ-Ttg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.
Quyết định nêu rõ danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 gồm 240 doanh nghiệp.Trong đó, có 103 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 doanh nghiệp thực hiện phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Trong số 103 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tới 62 doanh nghiệp xổ số kiến thiết tại các tỉnh và Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).
Cũng trong danh mục này là các doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực quan trọng của xã hội, liên quan đến quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực bưu chính công ích; in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và vật phẩm lưu niệm bằng vàng; bảo đảm hàng hải và xuất bản...
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trong 5 năm tới, Nhà nước sẽ vẫn giữ 100% vốn điều lệ tại 3 ngân hàng 0 đồng, bao gồm: Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Ngân hàng Nhà nước còn dự kiến sở hữu 100% vốn điều lệ tại Nhà máy in tiền quốc gia và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục nằm trong danh sách Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trong số 4 doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ, có Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
Số lượng doanh nghiệp nắm giữ 50-65% vốn bao gồm 27 doanh nghiệp trong 8 ngành, lĩnh vực. Trong đó, một số cái tên tiêu biểu như VNPT, Mobifone, Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Cà phê...
Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ chiếm tỷ lệ cao nhất với 106 đơn vị, chủ yếu là những doanh nghiệp lớn như VTV Cab, VTV Broadcom, Tổng công ty truyền thông Đa phương tiện (VTC), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), Saigon Tourist, Tổng công ty Sông Đà...
4 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng nằm trong danh sách này, gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nêu rõ quan điểm chỉ đạo là lĩnh vực công ích và một số lĩnh vực thất bại thị trường, tức là lĩnh vực không ai làm hoặc độc quyền tự nhiên… thì Nhà nước nắm giữ và có vai trò chi phối. Những lĩnh vực còn lại, Nhà nước cần rút ra theo tỉ lệ phù hợp hoặc 100% để thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Trên cơ sở các lĩnh vực này, phải xác định danh mục doanh nghiệp nào Nhà nước cần nắm giữ 100%, Nhà nước cần chi phối hay Nhà nước cần thoái vốn hoàn toàn.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải, với danh sách vừa được ban hành nói trên, định hướng trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã rõ ràng.
Các nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước một cách cụ thể, thay vì thiếu thông tin như trước đây.Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), việc Thủ tướng ban hành danh mục rõ ràng như trên là một bước tiến. Trước đây, chúng ta chỉ quy định mỗi lĩnh vực giữ bao nhiêu phần trăm vốn nhà nước nhưng tới nay thì ghi rõ tỷ lệ nắm giữ tại từng doanh nghiệp. Đó là giải pháp từ trên xuống dưới và được kỳ vọng giúp tạo thay đổi về chất kể từ năm 2017 với công tác này.