Tham dự COP21, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cam kết, Việt Nam sẽ giảm 8% khí phát thải vào năm 2030.
Đầu tư cho công nghệ xanh
Tại COP21, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế đã thống nhất tăng gấp đôi đầu tư trong vòng 5 năm tới cho công nghệ xanh nhằm giải quyết vấn đề khí hậu ở quy mô toàn cầu. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki - moon cùng 13 cơ quan LHQ phát động sáng kiến mới có tên Dự báo, Thích ứng và Tái định hình, nhằm tăng cường năng lực của các nước trong việc dự báo các nguy cơ, thích ứng với tình huống bất ngờ. Sáng kiến sẽ giúp huy động tài chính và kiến thức, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mới giúp giải quyết nhu cầu của gần 634 triệu người, tương đương 1/10 dân số thế giới, đang sống tại những khu vực duyên hải chỉ cách mực nước biển vài mét, cùng những cư dân tại các khu vực có nguy cơ hạn hán và ngập lụt.
Các tổ chức quốc tế khác cũng thể hiện quyết tâm hỗ trợ công nghệ xanh. Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố lập quỹ 500 triệu USD hỗ trợ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải nhà kính với sự tài trợ của Đức, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, tỷ phú Bill Gates lập một dự án huy động tiền từ 28 nhà đầu tư tư nhân lớn, trong đó có sự tham gia của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, nhà tài phiệt George Soros - Chủ tịch của Quỹ Soros Fund Management, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển những công nghệ thân thiện với môi trường.
Đóng góp tích cực của Việt Nam
Tại COP21, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng bày tỏ sự ủng hộ, thúc đẩy tiến trình đàm phán và thông qua Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020. “Các nước phát triển cần đi đầu trong việc thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực triển khai chiến lược, chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực; thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto.
Cụ thể, Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020 và cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Bên lề COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte, bà Laura Tusk - Phó Chủ tịch WB về phát triển bền vững, đã đồng chủ trì phiên Đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị. Ảnh: TTXVN
|
Trước đó, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp Manuel Vallsm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam tới Chính phủ và Nhân dân Pháp, đặc biệt là tới gia đình các nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố ngày 13/11 tại Paris. Bên cạnh các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, hai bên nhất trí cho rằng mọi tranh chấp ở Biển Đông cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và hàng không vì lợi ích của khu vực và của cả cộng đồng quốc tế. |