Sụt giảm của ngành công nghiệp báo chíMạng xã hội xuất hiện và ngày càng gây ảnh hưởng khiến thông tin không còn là độc quyền của báo chí và kéo tụt một lượng lớn doanh thu của các tờ báo. Một báo cáo thường niên về Giải trí và Truyền thông của PwC Australia dự báo quảng cáo trên báo trực tuyến sẽ giảm từ năm 2014 xuống 5,9% xuống còn 700 triệu USD vào năm 2023, trong khi quảng cáo trên báo in sẽ giảm 20% xuống còn 450 triệu USD; quảng cáo kỹ thuật số sẽ giảm 5,9% từ năm 2014 đến năm 2023. Năm 2018, lĩnh vực báo chí được định giá 2.961 tỷ USD và được dự báo sẽ giảm xuống còn 2.147 tỷ USD vào năm 2023.Sức ép tiếp tục diễn ra lên các phương tiện truyền thông trước việc những mạng xã hội ngày càng nở rộ khiến số lượng người đọc sụt giảm đi kèm với doanh thu quảng cáo. Đo lường bằng doanh thu, ngành công nghiệp báo chí ở Mỹ trong năm 2013 đã giảm xuống còn 60% quy mô so với thời điểm 10 năm trước. Các công ty báo chí rất vất vả để đáp ứng các cam kết lương hưu và tiếp tục tinh giản nhân viên, trong khi một số báo đã giảm tần suất phát hành.Áp lực với các tòa soạn báo inĐối với các tờ báo ngày của Mỹ, câu chuyện của thập kỷ vừa qua không phải về việc đóng cửa hàng loạt mà là về sự “thu hẹp quy mô” hàng loạt. Trong khi tốc độ đóng cửa của các tờ báo vẫn tương đương so với thời điểm cuối thế kỷ XX thì cứ mỗi tờ báo ngày trở nên nhỏ hơn: Phòng tin tức nhỏ hơn, ngân sách nhỏ hơn, số lần in nhỏ hơn, số trang nhỏ hơn, từ năm này qua năm khác. Kể từ đầu năm 2009, số lượng lớn nhật báo có tiếng tại xứ sở cờ hoa bị thu hẹp. Tờ Rocky Mountain News đóng cửa vào tháng 2/2009; Seattle Post-Intelligencer giảm xuống, chỉ còn phiên bản online, trong khi tờ Detroit Free Press và The Detroit News đã cắt giảm giao báo tận nhà còn 3 lần/tuần.Tại Anh, các nhà xuất bản báo chí cũng lâm vào tình trạng tương tự. Cho tới cuối năm 2008, tờ Independent đã tuyên bố tinh giản công việc và trong năm 2016, ấn bản in của Independent đã ngừng hoạt động. Doanh thu quảng cáo ở báo in tại Thụy Sỹ và Hà Lan cũng suy giảm tới cả nửa…Những hướng đi mớiKhi doanh thu của các tờ báo ở Mỹ và nhiều nước khác tiếp tục giảm sút, một trong số những xu hướng hiện nay là các tòa soạn chuyển sang tập trung báo mạng và áp dụng hệ thống thu phí người đọc trực tuyến. Hệ thống này dụng gọi là paywall (Bức tường phí – giả lập như một bức tường ngăn cách giữa nội dung và người đọc, yêu cầu độc giả phải đóng phí để có thể "qua cửa"), phương pháp mà nhiều tờ báo hiện đang sử dụng để đối phó với doanh thu sụt giảm nghiêm trọng từ quảng cáo báo in.Những “bức tường phí” này đang được dựng lên với tốc độ chóng mặt, dường như đảo ngược tâm lý của người đọc báo trước đó là tin tức trên mạng vẫn phải miễn phí.New York Times chính thức bắt đầu dịch vụ thu phí từ tháng 9/2005. Tuy nhiên sau 2 năm, tạp chí này đã hủy việc thu phí do tiền thu phí không bù được khoản doanh thu mất đi từ quảng cáo trên trang miễn phí trước đó. Tuy nhiên, vào ngày 28/3/2011, New York Times bắt đầu quay lại với việc tính phí nhưng có điều chỉnh, bằng cách cho miễn phí một lượng tin bài nhất định. Cụ thể, trang chủ và các chuyên mục ở trang nhất không bị giới hạn nhưng nếu người đọc truy cập quá 20 bài báo (hiện rút xuống còn 10 bài) mỗi tháng, thì họ sẽ phải trả tiền.Đi đầu trong phương thức này còn có Financial Times, một ấn phẩm chuyên về tài chính toàn cầu có trụ sở tại London. Cụ thể, Financial Times hạn chế lượng bài viết người đọc trực tuyến có thể truy cập/tháng và yêu cầu họ phải chi trả để tiếp tục đọc. Cho đến năm 2015, Financial Times có gần 750.000 độc giả chịu trả tiền để đọc báo. Và trong số độc giả này, khoảng hai phần ba chịu trả những gói đọc với giá cao, tương đương 480 USD/năm.Nhưng năm 2015 đánh dấu mốc lớn cho Financial Times khi vào tháng 7, Pearson PLC, chủ sở hữu công ty của Financial Times đã sang nhượng tờ báo cho tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật Bản với giá 1,3 tỷ USD. Tin tức này gây rúng động giới truyền thông lúc đó, không phải chỉ ở mức giá mà còn là đối tượng mua Financial Times. Mặc dù Nikkei thống trị Nhật Bản, nơi mỗi ngày tập đoàn bán ra hơn 2,5 triệu tờ báo nhưng Nikkei chưa từng bày tỏ quan tâm đến các thị trường ngoài khu vực châu Á. Bên cạnh đó, con số 1,3 tỷ USD gần gấp 40 lần số doanh thu 7 triệu USD mà Financial Times tạo ra vào năm 2014. Tại sao Nikkei rất háo hức muốn có được Financial Times đến thế? Giám đốc điều hành của Financial Times John Ridding khẳng định, đó là tầm nhìn của Nikkei muốn hướng đến chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang thời đại báo chí kỹ thuật số và Financial Times với vai trò là tờ báo đi đầu sẽ rất thích hợp cho tham vọng của tập đoàn Nhật Bản.Đa dạng hóa nguồn thuGiới phân tích cũng cảnh báo rằng các mô hình paywall trên báo trực tuyến không đủ để bù đắp sự suy giảm lượng độc giả các ấn phẩm báo in, dù dự kiến sẽ tăng trưởng nhẹ trong tương lai. Một trong những lời khuyên của PwC là các tập đoàn truyền thông phải tiếp tục củng cố thương hiệu và sản phẩm, giới thiệu các mô hình nội dung tích hợp, cũng như các mô hình thanh toán mới, để tồn tại.Trong bài viết “Tương lai báo chí” của tác giả Bob Franklin có viết, những hướng đi khác cho các tập đoàn báo chí là bán các ứng dụng đọc báo, gây quỹ, cung cấp dịch vụ cộng đồng và đồng sáng tạo các mô hình kinh doanh siêu địa phương. Một số gợi ý các tòa soạn báo với mục đích phi lợi nhuận – được các tổ chức phi chính phủ quốc tế, tổ chức tư nhân và các nhà chiến lược tài trợ hoặc những nỗ lực để kiếm tiền từ các siêu liên kết.Cải tiến phương tiện truyền thông kỹ thuật số mang đến hy vọng về nguồn doanh thu cho các tòa soạn hiện đại như một chiếc phao. Điều rõ ràng là các nhà cung cấp tin tức đang ngày càng trở nên bớt phụ thuộc vào một hình thức tài trợ. Nhiều luồng doanh thu từ độc giả và nhà quảng cáo, từ các sự kiện và thương mại điện tử, từ các quỹ và nhà tài trợ và từ các dịch vụ thương mại liên quan như dịch vụ lưu trữ Web và quảng cáo đều đóng góp thu nhập. Vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ hiệu quả và tính bền vững của các nguồn thu này, nhưng việc đa dạng hóa nguồn thu của các tập đoàn báo cho chúng ta lý do để tin rằng các mô hình kinh doanh mới khả thi đang xuất hiện trong ngành công nghiệp báo chí.