Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết bị điện MBT (MBT) Trần Văn Nam cho biết, việc đầu tư 15 triệu USD cho toàn bộ máy móc là quyết định mạnh tay làm thay đổi toàn bộ quy mô của công ty.
Các dây chuyền sản xuất tự động, từ gập sóng và hàn kín cánh tự động đến máy cắt tôn tự động Bollina, máy quấn cao thế, máy quấn hạ thế, máy cắt lõi Unicore, máy đột dập Amada, máy cắt laser, phòng thử nghiệm độc lập… được bố trí hợp lý, gọn gàng. Mỗi dây chuyền chỉ có khoảng 1 - 2 người điều khiển máy.
Xuất phát từ thực tế của doanh nghiệp, ông Trần Văn Nam cho rằng, hiện nay hầu hết nguyên vật liệu đầu vào cho tới máy móc thiết bị của MBT có loại giá thành lên tới chục triệu USD đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, bởi chất lượng các sản phẩm, máy móc trong nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Hiện, DN vẫn phải nhập khẩu 100% các nguyên liệu chính từ nước ngoài. Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất của MBT Lê Lam thông tin thêm, giá 1 ốc vít mà doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có thể chỉ 1.000 đồng, nhưng MBT vẫn phải trả 1,5 USD/sản phẩm để mua từ nước ngoài để đạt chất lượng sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế doanh nghiệp phải chấp nhận.
Rất muốn sử dụng các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản trong nước, song điều này khiến doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giảm lợi nhuận. Nhiều khi phải chờ nguyên liệu 2 - 3 tháng mới về, trong khi thời hạn giao hàng của doanh nghiệp cận kề, đôi khi buộc phải xin hoãn, gia hạn thời gian giao hàng.
Chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm hơn 50% tổng chi phí nên lợi nhuận chỉ đạt 5% doanh thu, thậm chí lúc giá cả tăng cao, ảnh hưởng Covid-19 thì lợi nhuận chỉ 2%. Với tình hình này, doanh nghiệp cũng không nâng được lương công nhân nên rất lo mất nhân công giỏi. Hiện thu nhập bình quân của công nhân chỉ tầm 10 triệu đồng/tháng.
“MBT đã cố gắng liên hệ với các nhà cũng cấp trong nước, nhưng chất lượng không đáp ứng. Mục tiêu lớn nhất hiện nay mà MBT theo đuổi là tăng trưởng doanh thu ít nhất 20% và cố gắng mua được nguyên liệu trong nước để tăng lợi nhuận” - ông Lê Nam cho biết.
Trăn trở về đầu vào nguyên liệu cho ngành cơ khí, doanh nghiệp như MBT còn nhiều dư địa phát triển, nếu các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể kết nối được với nhau để cung cấp nguyên liệu, nhân lực.
Bởi, đối với quá trình tiêu thụ sản phẩm, MBT cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm đối tác trong nước, đồng thời chịu cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại từ các doanh nghiệp trong nước cũng như sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ nước ngoài.
Theo ông Lê Nam, việc tìm kiếm trực tiếp các đối tác trong nước khó khăn, nên sản phẩm của DN thường phải đi qua các khâu trung gian để tiêu thụ. Quá trình này làm hạn chế khả năng đánh giá năng lực thực chất của doanh nghiệp, ít nhiều làm giảm sự tin tưởng từ các doanh nghiệp trong nước.
Chính vì vậy, ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung, CNHT nói rất rất cần sự hỗ trợ của các cấp ngành, đặc biệt là các Hiệp hội trong vai trò quy tụ các doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực, làm đầu mối kết nối nhu cầu giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện hợp tác tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở ra nhiều bạn hàng mới đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Tăng liên kết
Thời gian qua, Công ty CP Xây lắp và bảo dưỡng cơ điện VNK (quận Đống Đa, Hà Nội) không dừng lại ở lĩnh vực thi công hệ thống điện cho các công trình, còn mở thêm Trung tâm tư vấn đào tạo và hỗ trợ việc làm VNK để đào tạo nhận lực trong lĩnh vực cơ điện. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo được hơn 10.000 Kỹ sư, cử nhân cho các doanh nghiệp CNHT.
“Niềm đam mê lớn nhất là được đào tạo và phát triển năng lực bản thân cho người lao động, nguyện vọng được đào tạo nhân lực miễn phí cho các doanh nghiệp CNHT, từ đó góp phần đưa CNHT của Thủ đô và đất nước cùng lớn mạnh” - Giám đốc Công ty CP Xây lắp và bảo dưỡng cơ điện VNK Ninh Việt Tú cho biết.
Phó Chủ tịch Thường trực HANSIBA Nguyễn Vân khẳng định, hiện không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao. Vấn đề là các doanh nghiệp này chưa kết nối được với nhau nên cần sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước.
Do đó, phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm và nâng cao nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu trọng tâm của HANSIBA riêng trong năm 2023.
Với trách nhiệm của mình, HANSIBA nỗ lực giúp cho các doanh nghiệp cùng phát triển bằng việc kết nối các doanh nghiệp có được bạn hàng trong nước và quốc tế.
Hiệp hội tiếp tục phát triển hội viên, quy tụ các doanh nghiệp đã đang và sẽ tham gia hiệp hội để hiểu rõ năng lực cũng như nhu cầu của mỗi hội viên trong từng lĩnh vực để kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp về nguồn vốn, chính sách đất đai, vật tư thiết bị đầu vào, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từng bước đẩy mạnh hoạt động CNHT của Hà Nội cũng như cả nước.
Vị này cho biết thêm, hiện HANSIBA đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các doanh nghiệp CNHT. Việc làm này vừa giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các DN; mặt khác sinh viên các trường có cơ hội tiếp cận với các kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.
“Hiệp hội coi đây là sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa nhà trường với các DN, là hướng đi ngắn nhất trong việc đáp ứng cung - cầu về nguồn nhân lực cho CNHT trước mắt cũng như lâu dài” - ông Nguyễn Vân nhận định.
Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), từ năm 2015 đến nay, nhiều chính sách phát triển CNHT được Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, chính sách phát triển CNHT hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế tạo. Mặt khác, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất sản phẩm CNHT cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành…