Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghiệp ôtô Trung Quốc: Bước tiến thần tốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm ngoái, Trung Quốc đã đánh bại Nhật Bản để trở thành nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, và năm nay họ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất thế giới.

KTĐT - Năm ngoái, Trung Quốc đã đánh bại Nhật Bản để trở thành nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, và năm nay họ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất thế giới.

Khi các nền kinh tế phương Tây đang gặp nhiều khó khăn thì Trung Quốc vẫn trong thời kỳ phát triển đỉnh cao. Đặc biệt, ngành công nghiệp sản xuất ôtô của họ sẵn sàng thách thức tất cả các đại gia trên thế giới.

Phóng viên BBC tại Bắc Kinh vừa viết bài về sự phát triển đáng kinh ngạc của ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc.

Nhìn những chiếc xe vùn vụt lao đi trên 10 làn đường của tuyến cao tốc chạy qua trung tâm Bắc Kinh, tôi cùng Rick Hull - người sáng lập ra chuỗi các nhà phân phối ôtô độc lập lớn nhất Australia, đang cố nhận diện các loại xe đang chạy trên đường. Rick đã đến Trung Quốc nhiều năm nay để quan sát ngành công nghiệp ôtô đang phát triển nhanh như nấm ở đây.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đánh bại Nhật Bản để trở thành nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, và năm nay họ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất thế giới.

Dòng xe tấp nập trên đường phố Bắc Kinh
Dòng xe tấp nập trên đường phố Bắc Kinh.

Không phải là phóng viên chuyên về ôtô xe máy, nhưng tôi có thể nhận ra vài mẫu của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc ở đây. Còn Rick, sau khi quan sát dòng xe rất kỹ, anh lắc đầu và cười lớn: “Thật không thể tin nổi! Có quá nhiều xe. Tôi loạn hết cả rồi”. Chính tôi cũng cảm thấy choáng ngợp khi đến tham dự buổi họp báo Triển lãm ôtô Bắc Kinh 2010 trước đó.

Ban đầu, buổi triển lãm diễn ra hết sức bình thường và quen thuộc. Tiếng nhạc và ánh đèn flash lóe lên từ mọi hướng, cùng với vô số cô gái trẻ quyến rũ đứng bên cạnh một hàng ôtô dường như dài đến vô tận.

Nhưng một lúc sau, câu chuyện chính mới thực sự bắt đầu.

Đứng ở gian hàng xe nhãn hiệu Volvo nổi tiếng của Thụy Điển, tôi muốn tìm hiểu thêm về nhà sản xuất ôtô Trung Quốc mới hoạt động được 12 năm này. Họ vừa mua lại nhãn hiệu Volvo từ Ford. Một nhân viên quan hệ công chúng bước tới và tôi hỏi: “Chiếc xe này từng là của Thụy Điển, rồi của Mỹ - thuộc sở hữu của Ford, và bây giờ là của Trung Quốc. Thế thì giờ nó là xe Thụy Điển, Mỹ hay Trung Quốc?”. Anh nhân viên có vẻ không thoải mái và hỏi tôi có muốn quan sát bên trong không, hoặc xem qua vài tài liệu. Như thế rõ ràng là người nhân viên này không có sẵn câu trả lời, vì Volvo dù sao cũng đã được sản xuất ở Trung Quốc rồi.

Ở gian hàng của các dòng xe gia đình, tôi gặp một nhà thiết kế sinh ra tại Tây Ban Nha đang làm cho hãng ôtô Renault của Pháp. Ông chống cằm và quan sát các mẫu tại đây: “Đằng trước nhìn giống Renault Megane Cabrio, đằng sau trông như Mercedes CLS”. Ngay lập tức nghĩ đến vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc và phần mềm của Tung Quốc, tôi liền hỏi: “Vậy nó là xe Trung Quốc, hay là một bản copy?”

Ông nhún vai và cười: “Tất cả chúng ta đều copy của nhau. Và đó là lý do tại sao có quá nhiều mẫu xe hiện đại trông cứ na ná nhau! Vấn đề chính nằm ở chất lượng và kiểu dáng cơ”. Sau đó, ông leo lên ghế lái và chăm chú quan sát bên trong, rồi ông chỉ vào một vết xước rất mờ và nói: “Chất liệu nhựa này cần phải được cải tiến hơn, mùi xe mới cũng không được đúng lắm. Nhưng cứ chờ 5 năm nữa xem, họ sẽ là một đối thủ mạnh của Renault đấy, tôi chẳng nghi ngờ việc đó đâu”.

Ở gian hàng của những chiếc xe đắt tiền, giữa đám đông người hâm mộ chiếc xe thể thao Trung Quốc sáng bóng, đỏ rực, trông như Ferrari, với chiếc huy hiệu hình con bọ cạp thay vì hình chú ngựa tung vó nổi tiếng, tôi gặp ông Hideichi Misono – cựu giám đốc thiết kế của Toyota.

Cứ tưởng rằng ông phải tỏ ra kinh ngạc vì sự thành công của mẫu xe này, nhưng ông lại lo lắng cho tương lai của ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản. Ông cho biết những sinh viên thiết kế của Nhật Bản mà ông dạy chỉ có tầm nhìn quốc gia và tập trung vào mình nước Nhật, trong khi các sinh viên Trung Quốc của ông lại muốn thiết kế cho cả thế giới. Ông nói: “Nếu anh nhìn vào đôi mắt của họ khi nghe tôi giảng bài, anh sẽ ấn tượng rất mạnh, họ có tầm nhìn quốc tế và muốn trở thành những nhà thiết kế tầm cỡ thế giới. Họ cũng theo kịp rất nhanh”.

Công nghiệp ôtô Trung Quốc: Bước tiến thần tốc - Ảnh 1
BYD được chú ý trong Triển lãm ôtô Bắc Kinh 2010.

Về lĩnh vực công nghệ, một công ty Trung Quốc đã trở thành người dẫn đầu rồi. Với nền nhạc chiến thắng cùng lớp khói dày đặc và đội vũ công trong đồng phục trắng gần giống quân đội, BYD đang giới thiệu mẫu xe mới nhất của họ. Đó là dòng xe sử dụng loại pin được thiết kế đột phá đến mức Warren Buffet – nhà đầu tư nổi tiếng nhất nước Mỹ cũng phải rót đến 250 triệu USD vào công ty này.

Tôi chợt nhận ra rằng, triển lãm ôtô mà tôi đang chứng kiến chính là một thế giới thu nhỏ của ngành công nghiệp cao tốc đầy tính đột phá của Trung Quốc. Đó chính là cuộc diễu hành thần tốc từ gần như không có gì đến sản xuất cho toàn thế giới. Nhưng vẫn còn một bài toán khó nữa, đó là tại sao có quá ít ôtô nhãn hiệu Trung Quốc được xuất khẩu?

Quay trở về con đường cao tốc cạnh quảng trường Thiên An Môn, Rick Hall đã có lời giải đáp cho câu hỏi đó. “Đó là vì người dân Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn về ôtô, nên các nhà sản xuất cũng chẳng cần xuất khẩu làm gì. Nhưng nếu anh muốn đợi xem bao giờ họ sẽ làm việc đó, thì sắp rồi đấy. Đến lúc đó, cuộc chiến trên toàn thế giới sẽ trở nên khốc liệt thực sự ”, anh nói.

Còn ở Australia, cuộc chiến này đã bắt đầu rồi. Từ năm ngoái, Rick đã cho nhập khẩu nhiều phương tiện mang nhãn hiệu Trung Quốc. Và theo anh nói, các khách hàng của anh lại rất thích chúng.