Tuy nhiên, thừa nhận văn bằng lẫn nhau không hề đơn giản.
Đảm bảo quyền lợi người học
Tại hội thảo Công nhận văn bằng giáo dục ĐH, ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Đến nay, Việt Nam đã ban hành các quy định về công nhận văn bằng do các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài cấp cho công dân Việt Nam dựa trên một số tiêu chí đảm bảo chất lượng. Bộ GD&ĐT cũng đã ký kết nghị định thư công nhận tương đương văn bằng với một số nước và đang đàm phán để ký kết văn kiện tương tự với một số quốc gia khác. Điều lệ trường ĐH cũng cho phép các trường ĐH Việt Nam mở rộng hợp tác với các trường ĐH trên thế giới để công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng và công nhận văn bằng lẫn nhau để tạo thuận lợi cho người học.
Tuy nhiên, để được công nhận văn bằng giáo dục ĐH lẫn nhau, PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH cho rằng có rất nhiều việc phải làm. Về phía các trường ĐH trước khi xác nhận tham gia vào chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài, phải nghiên cứu rất kỹ và đầy đủ thông qua những kênh thông tin những khác nhau. “Bộ GD&ĐT đã và sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản để giúp cơ sở đào tạo ĐH có những chương trình liên kết đạt chất lượng nhất, đảm bảo quyền lợi người học” - ông Trinh cho biết. Ông cũng kỳ vọng, khi Việt Nam tham gia vào Công ước Tokyo 2011 thừa nhận văn bằng giáo dục ĐH lẫn nhau sẽ tạo hành lang pháp lý, là cơ sở để dịch chuyển lao động được đảm bảo.
Nên có quy chế riêng cho đào tạo trực tuyến
Theo ông Bùi Văn Ga, một trong những thách thức lớn của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác là việc công nhận tương đương văn bằng của các chương trình đào tạo trực tuyến rất đa dạng và chất lượng, tính nghiêm túc rất khó kiểm soát. Tất nhiên có những chương trình tiên tiến chất lượng không kém các chương trình đào tạo truyền thống. Nhưng làm thế nào để chọn lọc, công nhận văn bằng, tránh thiệt thòi cho người học các chương trình trực tuyến chất lượng đang là một câu hỏi khó.
Cũng bởi khó kiểm soát về chất lượng nên đến bây giờ, Bộ GD&ĐT vẫn chưa cho phép các trường ĐH được liên kết với cơ sở giáo dục đào tạo ĐH nước ngoài về đào tạo trực tuyến. Đây cũng là nội dung được nhiều trường ĐH đang thực hiện liên kết đào tạo băn khoăn. TS Trần Mai Đông – Trưởng phòng Quản lý khoa học – Hợp tác quốc tế, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Hiện nay, trường có 16 chương trình liên kết với đối tác nước ngoài. Từ nay đến năm 2020 chúng tôi dự định sẽ có thêm 7 chương trình nữa. Chúng tôi quan tâm nhiều đến Công ước Tokyo 2011 khi đi vào thực thi sẽ có một số chương trình đào tạo trực tuyến được Bộ GD&ĐT công nhận. Bởi sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều người được học chương trình liên kết với nước ngoài theo hình thức đào tạo từ xa, chi phí thấp. Để làm được việc này, chúng tôi muốn Bộ GD&ĐT nên có những quy chế riêng đối với các cơ sở giáo dục ĐH” - ông Đông bày tỏ.
Tại hội thảo, TS Libing Wang – Giám đốc Bộ phận đổi mới giáo dục và phát triển kỹ năng, Ủy ban Giáo dục Unesco khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng Việt Nam cần rà soát lại các thỏa thuận đang có để có các điều khoản phù hợp với Công ước Tokyo 2011. TS Wang cũng khuyến cáo Việt Nam nên có một cơ quan duy nhất, không trực thuộc bộ nào có thẩm quyền công nhận các chương trình đào tạo liên kết đạt chất lượng.
Hội nghị quốc tế được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 11/2011, các thành viên đã thông qua Công ước sửa đổi, bổ sung cho Công ước năm 1983 về công nhận học thuật và công nhận văn bằng giáo dục ĐH ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Công ước Tokyo năm 2011). Công ước mong muốn các dân tộc châu Á – Thái Bình Dương có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên văn hóa bằng cách tạo điều kiện cho công dân của mỗi bên, đặc biệt là sinh viên và các giảng viên tiếp cận nguồn tài nguyên giáo dục của mỗi bên theo các quy định trong nước. |