Giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua thảo luận, đa số các đại biểu đã thống nhất và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch của năm 2021; dự kiến kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022.
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công để giải quyết các vấn đề xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ cho người lao động quay trở lại làm việc, công tác quản lý nhà nước về xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ra nhiều các điểm tồn tại, hạn chế và gợi mở, đề xuất những giải pháp hữu ích để giúp Chính phủ có cách nhìn nhận cũng như điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng chỉ ra rằng, tình hình kinh tế - xã hội của năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhất là tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư ở nhiều địa phương đã xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất với diễn biến phức tạp và biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Chúng ta buộc phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, quyết liệt hơn để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Do đó, đời sống của nhân dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân, nhất là những người có thu nhập thấp đã giảm mạnh.
Việc đạt được 8/12 chỉ tiêu do Quốc hội giao và có 4/12 chỉ tiêu là không đạt trong đó có chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP đã phản ánh sát với tình hình thực tế của kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh hết sức khó khăn của quý 3/2021.
Theo Bộ trưởng, đạt được kết quả phát triển kinh tế như vậy là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành và ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực, cố gắng và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương, địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an; tinh thần đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời của bạn bè quốc tế.
Đến nay tình hình phòng, chống dịch đã có những chuyển biến tích cực. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP vừa qua với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là một quyết định đúng đắn, kịp thời và quan trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo nền tảng quan trọng để chúng ta phục hồi kinh tế nhanh trong những tháng cuối của năm 2021 và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, từ công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội vừa qua đã cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm, đồng thời cũng thấy được những điểm khiếm khuyết cần phải điều chỉnh kịp thời để bảo đảm phát triển an toàn hơn và bền vững hơn trong tương lai.
Cụ thể: Thứ nhất, năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng đang còn thiếu và yếu, dẫn tới lúng túng trước những diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, hoạt động kinh tế, việc làm, đời sống nhân dân.
Thứ hai, năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến lúng túng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, cục bộ địa phương làm đứt gãy quá trình lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ.
Thứ ba, sức mạnh, vai trò của hệ thống chính trị và của người dân là rất lớn. Theo đó, cần phải có sự kết hợp và hỗ trợ của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.
Đối với một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, về đánh giá tác động của Nghị quyết 128/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sau gần 1 tháng triển khai thực hiện nghị quyết này thì tình hình kinh tế - xã hội của tháng 10 đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, như trong báo cáo đã nêu, với nhiều điểm sáng và nhất là đã củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, di chuyển của người dân, người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Hai là, về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021, vấn đề chậm giao kế hoạch vốn. Theo quy định của Luật Đầu tư công và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ kế hoạch ngân sách trung ương 2021, Chính phủ đã triển khai giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 một lần trước ngày 31/12/2020, tức là ngay cuối năm 2020 đã giao đầy đủ.
Theo đó, các bộ, các ngành và địa phương phải chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các chương trình, dự án cụ thể và việc chậm phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công tập trung ở 2 nội dung chính.
Về việc giao kế hoạch vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đang chỉ đạo trong tháng 11, tháng 12 này phải hoàn thành toàn bộ các thủ tục để có thể giao được vốn và thực hiện được ngay vào đầu năm 2022. Còn một phần vốn chưa thể bổ sung cho các dự án khởi công mới của năm 2021, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư theo thẩm quyền, bảo đảm đủ căn cứ để giao kế hoạch chi tiết theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đối với phần vốn chưa phân bổ, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục đầy đủ và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ theo quy định của Nghị quyết 29/2021/QH15 của Quốc hội.
Đối với việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Chính phủ đã nêu rõ các nguyên nhân chậm giải ngân. Bên cạnh các nguyên nhân đã tồn tại từ lâu như: việc chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng, thời gian điều chỉnh dự án, điều chỉnh năng lực của Ban Quản lý, năng lực nhà thầu...
Riêng năm 2021 còn có một số lý do đặc thù như: là năm đầu chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025; năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, do vậy chúng ta đang tập trung vào các dự án chuyển tiếp và đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án năm 2022; do tác động của Covid-19 giãn cách xã hội và dẫn đến ảnh hưởng cho tiến độ; giá cả nguyên vật liệu tăng rất cao.
Liên quan đến hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ trưởng cho biết, việc sửa đổi các luật đầu tư công cơ bản đã hoàn chỉnh, Chính phủ đang hoàn thiện dự án luật để sửa đổi 10 Luật, trong đó sẽ giải quyết tiếp tất cả những vấn đề đang còn vướng mắc trong Luật Đầu tư công để đẩy nhanh phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, ngoài những vấn đề nêu trên, các vấn đề về giải phóng mặt bằng và nhiều nội dung mà các đại biểu Quốc hội góp ý, Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu, báo cáo với Chính phủ để tiếp tục chỉ đạo, điều hành.