Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng
Từ sau Hội nghị Bộ Chính trị tháng 9/1953, công tác tư tưởng đã được triển khai mạnh mẽ để làm rõ quyết tâm chiến lược của Trung ương, khắc phục tư tưởng hoài nghi, do dự, thiếu tin tưởng vào thắng lợi. Yêu cầu của cuộc chiến đấu càng to lớn, nặng nề thì công tác tuyên truyền động viên cho việc chuẩn bị chiến trường càng khẩn trương, sôi nổi. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã biến thành hành động thực tế của hàng triệu người dân ở hậu phương cả vùng tự do và các vùng căn cứ du kích.
Trên thực tế, để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cần phải có quyết tâm rất lớn và niềm tin son sắt vào chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Bởi đây là lần đầu tiên ta đánh vào một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp, nhiệm vụ chiến đấu kéo dài, liên tục trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn về nhiều mặt, cùng với thời tiết không thuận lợi khiến một bộ phận cán bộ, chiến sĩ xuất hiện tâm lý hoang mang, dao động, giảm sút ý chí tiến công, thiếu tích cực, bi quan… Để cán bộ, chiến sĩ thông suốt, công tác tư tưởng đã được các cấp ủy và cơ quan chính trị từ Bộ Chỉ huy chiến dịch xuống đến cơ sở tiến hành kiên trì, từng bước làm chuyển biến nhận thức ở từng cấp… Nhờ đó, tư tưởng phân vân, vướng mắc giữa hai phương châm tác chiến chiến dịch được giải quyết; bộ đội đã ổn định được tinh thần, tin tưởng, hăng hái thực hiện mọi nhiệm vụ cả trước, trong và sau chiến dịch.
Nhằm phát huy ý chí, sức mạnh chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp đã rất coi trọng công tác tuyên truyền, cổ động chiến trường, với nội dung tập trung vào tuyên truyền, phổ biến kịp thời những bức thư của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Chỉ huy mặt trận và của các đoàn thể; những thắng lợi của ta, sự nguy khốn của địch, những thành tích chiến đấu, tấm gương anh dũng, tinh thần vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ…
Khó khăn về tiếp tế buộc phải tính toán chặt chẽ số người ở tiền tuyến, nhưng một lực lượng đông đảo các văn nghệ sĩ, các đoàn văn công đã có mặt hợp thành một binh chủng đặc biệt trong đội hình chiến dịch. Tổng cục Chính trị đưa theo cả một bộ phận nhà in.
Đặc biệt, sự xuất hiện của những tờ báo Quân đội Nhân dân ở mặt trận Điện Biên Phủ chính là một kỳ tích trong rất nhiều “kỳ tích Điện Biên Phủ”. Để có được những tờ báo ấy, tòa soạn với đầy đủ các bộ phận từ phóng viên tới in ấn, phát hành được tổ chức ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ, đóng cạnh Bộ Chỉ huy chiến dịch. Những tin tức được cập nhật thường xuyên, liên tục, kịp thời đến tay chiến sĩ ngay giữa chiến hào, giúp họ nắm bắt được thông tin, yên tâm chiến đấu.
Tăng cường công tác động viên tư tưởng gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua
Trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, phong trào thi đua lập công, thưởng phạt kịp thời luôn được chú trọng, từ đó phát huy được chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong tiến công tiêu diệt địch.
Trên thực tế, có những trường hợp tác chiến gặp khó khăn, cấp ủy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp đã tăng cường công tác động viên tư tưởng gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua. Đơn cử như, để khắc phục khó khăn sau khi kết thúc đợt tấn công thứ hai, cách tốt nhất là tìm ra phương án tác chiến tối ưu, với sự cố gắng cao nhất về mọi mặt, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm càng sớm, càng đúng lúc càng tốt. Con đường chắc chắn dẫn tới chiến thắng là nhanh chóng siết chặt vòng vây lửa, đưa trận địa chiến hào vào sát khu trung tâm tập đoàn cứ điểm.
Cùng với sự hoạt động mạnh mẽ và có hiệu quả của pháo cao xạ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đẩy mạnh phong trào “Săn Tây bắn tỉa”, tiêu diệt địch bằng nhiều hình thức.
Đích thân Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi Thư kêu gọi các chiến sĩ Điện Biên Phủ đẩy mạnh cuộc thi đua đánh tỉa quân địch. Nêu cao khẩu hiệu: Một viên đạn một tên địch, một viên đạn mấy tên địch, kiên nhẫn, tích cực, nhằm đúng mục tiêu, hễ bắn là trúng, phong trào “Săn Tây, bắn tỉa” lan rộng khắp mặt trận, từ các chiến sĩ súng trường, súng máy đến các khẩu đội súng cối, sơn pháo, rất nhiều chiến sĩ thiện xạ xuất hiện và trở thành phong trào thi đua giữa các đơn vị, chiến sĩ với nhau.
Sau khi kết thúc Chiến dịch, theo Chỉ thị của Đảng ủy Chiến dịch, các đơn vị tiến hành công tác bình công khen thưởng với tinh thần “dân chủ, khách quan, khen thưởng đúng đối tượng và đúng thành tích”. Thông qua đó, tuyên dương những đồng chí có thành tích, đồng thời cũng chỉ rõ những mặt chưa đạt được để mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phấn đấu. Đặc biệt, đoàn 5 cán bộ chiến sĩ lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được vinh dự thay mặt cho chiến sĩ toàn quân đến chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sĩ Điện Biên Huân chương Chiến công. Riêng Bác tặng thêm mỗi người một ngôi sao đỏ và một tấm huy hiệu.
70 năm đã trôi qua, những bài học được đúc kết từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt là bài học về công tác tư tưởng của Đảng vẫn vẹn nguyên giá trị, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được chắt lọc, vận dụng vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới hiện nay.