Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công trình xây trên đất nông nghiệp tại xã Đức Thượng: Lỗi do buông lỏng quản lý

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng 1.000m2 đất nông nghiệp của xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhà ở, nhà xưởng sản xuất, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai.

Mặc dù, sự việc diễn ra suốt thời gian dài nhưng không được chính quyền địa phương xử lý.

Vi phạm không giảm

Đức Thượng được coi là một trong những địa phương của huyện Hoài Đức liên tục để xảy ra vi phạm đất đai, xây dựng nhà xưởng, nhà ở trên đất nông nghiệp từ năm 1995 đến nay. Một trong những nơi để xảy ra vi phạm phải kể đến khu vực thôn Thượng Thụy và thôn Cao Xá, chủ yếu với hình thức giao, bán rồi để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

 Một trong những công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng.   Ảnh: Trường Nguyễn

Cán bộ liên quan đến sai phạm trước đó đã bị kỷ luật, tưởng chừng việc quản lý đất đai ở đây sẽ được quản lý chặt hơn, nhưng do buông lỏng quản lý nên nhiều trường hợp tiếp tục vi phạm xây dựng nhà xưởng, nhà ở trên đất nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, tại thôn Thượng Thụy (khu vực gần chùa Diên Phúc) một số trường hợp tiếp tục xây dựng nhà xưởng, nhà ở trên đất nông nghiệp. Trong đó có, Công ty TNHH Thép Thắng Hồng làm nhà xưởng rộng 300m2. Liền kề là công trình nhà ở 50m2 của ông Phan Sỹ Hòa… Còn, tại thôn Cao Xá, ông Hoàng Ngọc Thống xây nhà xưởng rộng hơn 300m2, ông Trần Quang Long làm nhà rộng 82m2, ông Ngô Văn Giáo xây nhà rộng 68m2. Qua tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, mặc dù chính quyền các cấp huyện Hoài Đức đã phát hiện vi phạm và đưa ra biện pháp xử lý. Nhưng, không hiểu vì lý do gì đến nay các công trình vẫn tồn tại (!?).

Để làm rõ vi phạm, phóng viên đã cùng cán bộ Địa chính xã Đức Thượng là ông Nguyễn Ích Anh đi kiểm tra một số công trình tại thôn Thượng Thụy. Tại đây, ông Anh thừa nhận một số công trình vi phạm năm 2016 chưa được lập hồ sơ hoặc đã lập hồ sơ nhưng không đưa vào báo cáo (Báo cáo số 89/BC-UBND, ngày 27/9/2016) UBND huyện, nên trong Báo cáo số 89 chỉ xác định có 6 trường hợp vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp trong 9 tháng năm 2016. Trong danh sách, không có công trình của Công ty TNHH Thép Thắng Hồng, công trình nhà ở của ông Phan Sỹ Hòa…

Địa phương thiếu quyết liệt

 Chủ tịch UBND xã Đức Thượng Nguyễn Văn Thuấn bao biện: “Do địa phương vừa kiện toàn một số chức danh, trong đó có chức danh Chủ tịch UBND xã nên các trường hợp mới tranh thủ xây dựng nhà xưởng, công trình trên đất nông nghiệp. Mặc dù, UBND xã đã lập biên bản yêu cầu dừng mọi hoạt động, tuy nhiên, các trường hợp vi phạm không chấp hành, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn. Đối với các trường hợp chưa lập biên bản, UBND xã sẽ yêu cầu cán bộ địa chính lập biên bản bổ sung vào danh sách vi phạm để cùng đề xuất hướng xử lý với UBND huyện”.

Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Hoài Đức Nguyễn Trạc Tiến cho biết, các trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp tại xã Đức Thượng đã được Đội phát hiện và báo cáo với UBND huyện. Tuy nhiên, thẩm quyền xử lý công trình vi phạm thuộc về Phòng TN&MT. "Đội chỉ là thành viên trong việc xử lý vi phạm đất đai của huyện thôi. Do vậy, việc cung cấp thông tin, tài liệu phóng viên liên hệ đến Phòng TN&MT huyện sẽ rõ” - ông Tiến cho hay.

Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức Nguyễn Trọng Lương thừa nhận, vi phạm đất đai, xây dựng tại xã Đức Thượng vẫn diễn ra phức tạp là do UBND xã thiếu quyết liệt trong xử lý. “Trước tình hình trên, UBND huyện yêu cầu UBND xã triển khai các biện pháp ngăn chặn không để vi phạm mới phát sinh. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý kịp thời. Còn, đối với các trường hợp vi phạm chưa lập hồ sơ, khẩn trương chỉ đạo cán bộ địa chính, tư pháp, công an xã phối hợp lập hồ sơ làm cơ sở xử lý theo quy định” - ông Lương nói.