Ông Vũ Hà |
Thương hiệu - yếu tố sống còn
Thời bao cấp, nói tới xe đạp là người ta nghĩ tới Thống Nhất. Vậy sau cổ phần hóa DN phát triển thương hiệu truyền thống như thế nào?
- Thực ra, Thống Nhất đã có thương hiệu từ lâu, nhắc đến xe đạp thì người Việt đều biết đến và đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam . Như các bạn và mọi người đều biết, tiền thân của Công ty là Nhà máy xe đạp Thống Nhất được thành lập năm 1960 với ngành nghề chuyên sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu xe đạp, xe đạp điện, xe máy, phụ tùng, sản phẩm nội, ngoại thất và các sản phẩm cơ kim khí. Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền sản phẩm của Thống Nhất được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội, hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích nhất, sản phẩm Việt Nam tốt nhất, Giải thưởng Sao vàng đất Việt… Công ty cũng được Bộ Công Thương công nhận và tặng danh hiệu DN xuất khẩu uy tín, đạt Thương hiệu Quốc gia từ năm 2010 đến nay. Năm 2015, Công ty còn vinh dự cung cấp sản phẩm chuyên dụng cho lực lượng cảnh sát các tỉnh, thành trong cả nước.
Sở dĩ tôi nói nhiều đến thành tích không phải để khoe, mà đó là minh chứng cho thương hiệu Thống Nhất đã được các cấp, các ngành ghi nhận từ những sản phẩm chất lượng cung cấp ra thị trường. Dựa trên nền tảng đó, Thống Nhất sẽ tập trung vào mảng chính như các dòng xe đạp đang bán trên thị trường, cho các đối tượng học sinh ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm mới từ một số dòng xe truyền thống sẽ được cải tiến cho phù hợp hơn để thuận lợi cho di chuyển, chở hàng hóa với tính năng ưu việt nhất định… Nghiên cứu cải tạo, dần dần tối ưu sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm về độ bền, giá thành, mẫu mã… là yếu tố làm mới thương hiệu Thống Nhất.
Để chống hàng nhái, hàng giả, cũng như bảo vệ thương hiệu, Thống Nhất cũng đăng ký sở hữu trí tuệ với từng sản phẩm, dùng tem dán, dập khuôn các thông số mẫu. Bên cạnh đó, thời gian tới chú trọng khâu truyền thông, tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm có tem quy cách, lựa chọn đúng thương hiệu Thống Nhất sử dụng…
Giá thành cũng là yếu tố sẽ quyết định đến cạnh tranh của sản phẩm, ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
- Trước tiên, xác định chất lượng như thế nào mới nói đến giá thành. Xe đạp phải là xe đạp của người Việt, có nghĩa Thống Nhất sẽ cố gắng sử dụng các chi tiết tự sản xuất của các DN trong nước từ ghi đông, nồi trục, xích líp… trừ khi DN trong nước không thể sản xuất mới phải nhập khẩu. Khi không phải nhập khẩu sẽ tránh phụ thuộc và đó là mục tiêu Thống Nhất hướng đến trong thời gian tới. Hơn nữa, khi đã sử dụng các phụ tùng của DN trong nước, tôi nghĩ về mặt giá thành có thể điều tiết giảm xuống một mặt bằng đúng và đủ để người tiêu dùng nhận biết được đó là sản phẩm của Thống Nhất.
Thực tế, ngành công nghiệp cơ khí nói chung đang có nhiều vấn đề về công nghệ chưa tốt, sản xuất không tập trung, chủ yếu là manh mún giữa các khu vực… dẫn đến giá thành cao hơn so với các DN nước ngoài. Do đó, Công ty mong muốn có diễn đàn để trao đổi, ngồi với nhau cùng định hướng ra sản phẩm của người Việt. Chẳng hạn, Thống Nhất sản xuất ra sản phẩm xe đạp thì có các DN phụ trợ đi kèm, cùng tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ, tránh tình trạng mỗi người làm một phương thức sẽ khó mà cạnh tranh về giá thành.
Và ý tưởng phát triển xe đạp công cộng
Từ thực tế của DN, ông có đề xuất gì về cơ chế, chính sách để Thống Nhất nói riêng và DN công nghiệp nói chung có thể đứng vững và phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay?
- Thời gian qua, cơ chế, chính sách cũng đã được cải thiện nhưng nên cụ thể, đi sát hơn với hoạt động sản xuất DN công nghiệp, có sự hỗ trợ mặt bằng sản xuất, thuế…, nhất là tạo ra sự liên kết giữa các DN để cùng phát triển. Chẳng hạn, khung xe của Thống Nhất đang phải nhập khẩu nhưng nếu có nguồn khung nhôm, khung thép do DN tái sử dụng lại các nguyên liệu tái chế làm ra thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ như thế nào vì không khai thác tài nguyên, giảm thiểu chi phí về môi trường, thuế đầu vào, tạo công ăn việc làm cho người lao động… Hay không nói đâu xa, cơ quan quản lý và người tiêu dùng nên phân biệt giữa xe ba bánh với xe bánh kép như thế nào. Khi xe 3 bánh không còn phù hợp với giao thông, nếu Thống Nhất làm ra xe bánh kép thì được hỗ trợ như thế nào để thay thế. Bởi lưu thông hàng hóa đang là nhu cầu bức thiết, phục vụ cho chuyên chở hàng hóa ở nội đô, giảm ùn tắc giao thông thì chính sách hỗ trợ chế tạo, sáng tạo ra xe phù hợp ra sao.
Đặc biệt, tiến tới các công trình giao thông công cộng được đưa vào sử dụng như tuyến tàu điện trên cao, nếu có chính sách, Thống Nhất sẵn sàng làm đề án, cùng tham gia đưa các sản phẩm xe đạp vào lưu thông cho người sử dụng xe tại các điểm dừng đỗ đến khu vực làm việc. Tôi rất mong muốn làm sao kết hợp bộ ba nhà quản lý – DN – người dân để tối ưu hóa câu chuyện giao thông ở nội đô.
Ông vừa đề cập đến việc phát triển loại hình xe đạp công cộng góp phần bảo vệ môi trường giảm thiểu khí thải, ùn tắc giao thông, vậy cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Khai thác giao thông cộng cộng là định hướng của Thống Nhất trong thời gian tới. Hiện, chúng tôi đang xây dựng đề án, nếu được TP Hà Nội chấp thuận đưa những điểm, khu vực để xe và Thống Nhất được tham gia thì đó là điều tuyệt vời. Như tôi đã nói, khi người dân di chuyển từ các tàu xuống các điểm trung tâm, có phương tiện di chuyển đến nơi làm việc sau đó để tập trung lại… sẽ giải quyết được câu chuyện nhức nhối tắc đường. Muốn làm được điều đó phải có sự kết hợp của cơ quan quản lý, đến DN và người dân.
Tôi muốn nhấn mạnh, khi thực hiện xong đường tàu và quy hoạch được các điểm tập kết xe đạp công cộng cho hợp lý, Thống Nhất rất mong muốn được làm việc với UBND TP, Sở GTVT đưa ra những giải pháp để triển khai cho hiệu quả…
Còn chiến lược dài hạn cho Thống Nhất trong tương lai?
- Cần phải nói rằng, Thống Nhất hiện đang tái cơ cấu lại sau cổ phần hóa, song kết hợp với tầm nhìn, cùng đội ngũ kỹ sư, nhân viên có tay nghề đảm bảo, không ngừng nâng cao chuyên môn từ khâu thiết kế phải phù hợp với nhu cầu từng đối tượng, từng khách hàng, đến khu vực sản xuất cũng sẽ được đầu tư nâng cấp về công nghệ…
Do đó, Thống Nhất vẫn đang tập trung vào các sản phẩm chính, còn cụ thể như thế nào phụ thuộc chiến lược kinh doanh, nên khi nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm mới, chúng tôi sẽ chia sẻ. Tuy nhiên, Thống Nhất cam kết sản phẩm sẽ mới, đa dạng với giá thành hợp lý, chất lượng mẫu mã đảm bảo, thân thiện với môi trường. Mục tiêu của DN là làm sao để người tiêu dùng cùng cảm nhận một Thống Nhất mới, tự vực dậy viết tiếp câu chuyện mới về thương hiệu Thống Nhất đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam…
Xin cảm ơn ông!
Thương hiệu là yếu tố sống còn của DN. Chính vì thế, Thống Nhất luôn xác định, bảo vệ và phát triển thương hiệu xe đạp truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Hiện, sản phẩm của Công ty được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến của nước ngoài như CHLB Đức, Nhật… đạt được 300.000 sản phẩm/năm và đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2008… |