Trong ba quý đầu năm nay, các thương vụ mua bán và sáp nhập tại Việt Nam được công bố có giá trị 3 tỷ USD. Ảnh: Whitecase |
Trang mạng của công ty luật White & Case có trụ sở tại Mỹ vừa có bài phân tích nhận định rằng hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A activity) tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng kỷ lục trong năm nay sau khi ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2020.
Theo bài viết, trong 3 quý đầu năm nay, các thương vụ mua bán và sáp nhập được công bố có giá trị 3 tỷ USD và với quý cuối cùng, năm 2021 dự kiến sẽ vượt mức 3,9 tỷ USD trong năm ngoái. Khối lượng giao dịch trong năm ngoái đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2006 và tiếp tục duy trì đà này trong 3 quý đầu năm 2021 với tổng số 41 giao dịch được công bố, tương đương cùng thời kỳ năm 2020.
Mức tăng trưởng khả quan này đạt được chủ yếu nhờ hoạt động giao dịch trong quý II. Tổng số giao dịch trong quý II là 19, chứng kiến mức giao dịch hằng quý cao kỷ lục trong lịch sử của thị trường sáp nhập. Trong khi đó, giá trị giao dịch hằng quý là 2,5 tỷ USD, ghi nhận giá trị hằng quý cao thứ hai trong lịch sử, chỉ xếp dưới mức cao kỷ lục 5,2 tỷ USD trong quý IV/2017.
Các tác giả cho biết mặc dù hoạt động giao dịch của Việt Nam giảm trong quý III do ảnh hưởng từ việc áp đặt biện pháp phong tỏa ngăn dịch Covid-19. Các biện pháp hạn chế được nới lỏng kể từ tháng 10, nhờ đó các đơn đặt hàng sản xuất tồn đọng sẽ giúp phục hồi nhanh chóng.
Theo xu hướng năm 2020, hoạt động kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng đều trên nhiều lĩnh vực, thể hiện sự đa dạng trong nền kinh tế Việt Nam. Với tổng giá trị 1,5 tỷ USD, lĩnh vực dịch vụ tài chính đạt giá trị cao nhất trong 3 quý đầu năm nay. Giao dịch lớn nhất là công ty SMBC Consumer Finance (SMBCCF) có trụ sở tại Nhật Bản mua lại cổ phần với tổng giá trị 1,4 tỷ USD từ nhà cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng của VPBank Finance (FE Credit).
Trong khi dịch vụ tài chính đứng đầu về giá trị, lĩnh vực công nghiệp và hóa chất ghi nhận nhiều giao dịch nhất. Trong 3 quý đầu năm nay 2021 đã có 7 giao dịch thành công, vượt tổng số giao dịch của lĩnh vực này trong năm 2020.
Lĩnh vực điện tử cũng chứng kiến một số giao dịch lớn như tập đoàn Sunji Electronic của Hàn Quốc mua lại Bangjoo Hi-Tech, công ty sản xuất linh kiện điện tử và bảng mạch, trị giá 47,7 triệu USD.
Bất chấp sự gián đoạn do dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là một trung tâm sản xuất điện tử của khu vực. Xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam đã tăng từ mức 47,3 tỷ USD trong năm 2015 lên gần 97 tỷ USD vào năm 2019, xếp thứ 12 trên thế giới.
Bên cạnh đó, bài viết nêu rõ hoạt động giao dịch trong nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2021, sau khi ghi nhận mức kỷ lục trong năm 2020. Trong ba quý đầu năm 2021, tổng cộng 20 giao dịch đã được công bố, chỉ kém 3 giao dịch so với tổng số giao dịch kỷ lục trong năm ngoái. Mức độ giao dịch khả quan trên cho thấy niềm tin ngày càng tăng giữa các công ty trong nước khi đang tìm cách tăng cường năng lực và mở rộng quy mô hoạt động.
Khối lượng giao dịch trong năm ngoái đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2006 và tiếp tục duy trì đà này trong 3 quý đầu năm 2021. |
Theo bài phân tích, nhiều quốc gia ngày càng quan tâm tới các công ty trong nước, với 8 trong số 10 thương vụ hàng đầu trong năm do các nhà thầu nước ngoài thực hiện. Ngoài các giao dịch được thông báo gần đây, các quỹ đầu tư tư nhân (PE) trên toàn cầu đang trở nên sôi động hơn, trong đó các lĩnh vực tăng trưởng cao như bán lẻ và công nghệ giáo dục (edtech) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Nhận định về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, các tác giả cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội ngăn dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất và xuất khẩu của nhà máy. Trước đó, hồi tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam từ 6,7% xuống còn 3,8%. Theo bài viết, dù điều chỉnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á là 3,1%.
Các hoạt động giao dịch của Việt Nam trong bối cảnh đối phó với đợt tái bùng phát Covid-19 hiện nay cho thấy khả năng phục hồi của thị trường và nhu cầu lâu dài đối với các tài sản trong nước. Các yếu tố cơ bản mạnh mẽ như lực lượng lao động có trình độ học vấn, chi phí thấp, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và môi trường chính trị ổn định sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Bài viết nhận định rằng các lĩnh vực tăng trưởng cao như tài chính tiêu dùng, điện tử và bán lẻ sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của cả bên mua chiến lược và tư nhân, mang lại nhiều cơ hội giao dịch trong quý IV/2021. Việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vào tháng 10 và tăng tốc thực hiện chương trình tiêm ngừa vaccine sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Việt Nam./.