Bài 1: Mục tiêu giới hạn nhiệt độ tăng thêm ở mức 2 độ C
Bài 2 : Lời giải của công lý
Bài 3 Việt Nam: Bản lĩnh và trách nhiệm
Tính toán của các chuyên gia cho thấy, GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP.
Với bờ biển dài 3.260km và hai đồng bằng châu thổ đất thấp, Việt Nam là một trong các năm nước sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng nhất khi nước biển dâng cao. Ngoài tổn thất kinh tế thì ô nhiễm môi trường cũng tác động tiêu cực và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người với khoảng 3% GDP tỷ lệ chi trả để bảo vệ chăm sóc sức khỏe của năm 2010. Theo con số thống kê, 10 năm gần đây, mỗi năm nước ta thiệt hại từ 1 - 1,5% GDP, hơn 700 người thiệt mạng vì thiên tai. Riêng trong nông nghiệp và nông thôn, biến đổi khí hậu tác động đến cả nông - lâm nghiệp, làm muối, phát triển thủy sản, thủy lợi, tài nguyên nước, các hệ sinh thái biển và vùng ven biển.
Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của đất nước, tháng 12/2008, “Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Là một nước nhiệt đới, Việt Nam có ưu thế trong việc thực hiện các giải pháp sinh học trong việc hạn chế tác hại của hiện tượng nóng lên của trái đất và nước biển dâng. Vì vậy, Việt Nam bên cạnh việc áp dụng các giải pháp công nghiệp, chúng ta đặc biệt chú ý tới các giải pháp nông nghiệp. Việt Nam đã tăng cường đầu tư để chuyển dần sang nền kinh tế thải ít khí cácbon như xây dựng các vườn điện giá ở Cà Mau, Bình Thuận; hệ thống pin năng lượng mặt trời, khởi động chương trình điện hạt nhân. Ngoài ra, Việt Nam đã phát triển Biofuel - loại nhiên liệu sinh học, nhưng không sử dụng ngũ cốc làm nguyên liệu, mà chiết xuất từ cây có dầu hoặc bã mía.
Nhiệt độ trái đất tăng cao, dự báo sẽ làm giảm sản lượng các loại cây lương thực thiết yếu như lúa, lúa mạch từ 20% - 40%. Khí hậu nóng lên cũng làm đất mất độ ẩm, khô cằn và dẫn đến nguy cơ mất mùa cao. Theo dự báo của các nhà khoa học, thời tiết nóng sẽ thường xuyên xuất hiện trong những thập kỷ tới, do vậy, giải pháp tiếp theo là phải nhanh chóng nghiên cứu các giống cây lương thực có khả năng thích nghi hơn với khí hậu này. Chính vì vậy, các nhà khoa học Việt Nam đang tìm tòi những loại cây trồng có khả năng chịu khô hạn, đang thí nghiệm các giống lúa chịu đựng được nước mặn, nghiên cứu các giống cây lương thực chịu đựng với thời tiết thay đổi.
Theo Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), 17% khí thải gây hiệu ứng nhà kính được sản sinh từ việc triệt phá rừng, nên việc trồng rừng và tăng cường quản lý rừng sẽ giúp giảm trừ lượng khí thải. Việt Nam đã thực hiện chương trình trồng 5 triệu ha rừng. Rừng nhiệt đới tiêu hóa khoảng 15% lượng khí thải cacbon. Vì vậy, 1km2 có thể giảm thải lượng cacbon do một nhà máy nhiệt điện trung bình thải ra. Trước thềm của COP21, Việt Nam cam kết đưa diên tích rừng từ 41% lên 45%.
Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam đòi hỏi có sự thay đổi trong tư tưởng, chiến lược và quan điểm về biến đổi khí hậu nhằm xây dựng một nền tảng phù hợp với sự thay đổi trong hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, môi trường, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên. Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã giảm thiểu được 30 triệu tấn khí thải CO2 và theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn COP21: trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, dù còn khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto và đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020. Với giai đoạn sau năm 2020, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.