Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Copenhagen: Tài liệu rò rỉ khiến nước đang phát triển nổi giận

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các quốc gia đang phát triển có phản ứng giận dữ với tài liệu này, khi cho rằng, những nước phát triển đã làm việc kín và đưa ra dự thảo thiên về phía mình.

KTĐT - Các quốc gia đang phát triển có phản ứng giận dữ với tài liệu này, khi cho rằng, những nước phát triển đã làm việc kín và đưa ra dự thảo thiên về phía mình.

Một tài liệu bị rò rỉ đã gia tăng hơn nữa hố sâu ngăn cách giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển xung quanh hội nghị khí hậu LHQ tại Copenhagen.

Tài liệu có phụ đề “Thoả thuận Copenhagen”, trong đó đề xuất các biện pháp không để nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng.

Các quốc gia đang phát triển có phản ứng giận dữ với tài liệu này, khi cho rằng, những nước phát triển đã làm việc kín và đưa ra dự thảo thiên về phía mình.

"Đó là tài liệu thiếu công bằng, và không được công nhận là đề xuất cũng như tiếng nói của các nước đang phát triển", Lumumba Stanislaus Dia Ping, đại sứ Sudan tại nhóm 77 nước đang phát triển cho biết.

Trung Quốc cũng chỉ trích một số phần trong tài liệu đề cập tới “năm đỉnh điểm” của khí thải carbon từ những nước đang phát triển. "Thật không công bằng nếu đưa ra mục tiêu dành cho quốc gia đang phát triển trong khi họ vẫn đang ở giai đoạn công nghiệp hoá”, Su Wei, phó đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự hội nghị khí hậu nói.

LHQ – cơ quan chủ trì hội nghị - đã hạ thấp tầm quan trọng của tài liệu trên khi nhấn mạnh, đó chỉ là “văn bản không chính thức”.

Tổ chức Oxfam đánh giá, văn bản này có nguy cơ gạt các nước đang phát triển ra ngoài lề khi thế giới nỗ lực tìm kiếm biện pháp giảm lượng khí thải nhà kính. “Giống như kiến đấu với voi, các nước đang phát triển có nguy cơ bị chèn ép tại hội nghị khí hậu Copenhagen", Antonio Hill, cố vấn khí hậu của Oxfam International nói.

Theo ông, bản đề xuất từ Trung Quốc và những nền kinh tế mới nổi khác đưa ra “tầm nhìn cân bằng hơn”, nhấn mạnh “tính cần thiết giữa đáp ứng nhu cầu của những người dân nghèo nhất thế giới với ngăn chặn một thảm hoạ khí hậu”.

Khoảng 15.000 đại biểu vẫn tiếp tục tham dự cuộc họp ở Copenhagen khi nỗ lực tìm kiếm một thoả thuận về thay đổi khí hậu. Sang tuần, khoảng 100 nguyên thủ quốc gia sẽ có mặt tại hội nghị để tiến tới hiệp định cuối cùng nếu các cuộc đàm phán trong vài ngày tới thành công.