Cột mốc mới tại COP26: Thế giới ngừng phá rừng

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nạn phá rừng toàn cầu sẽ được chấm dứt vào cuối thập kỷ này theo một kế hoạch được hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới tán thành vào ngày thứ hai của Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc COP26.

Lửa thiêu rụi đất do những người chăn nuôi gia súc phá rừng ở bang Para, Brazil. Ảnh: AP 
Các nhà lãnh đạo đại diện cho những quốc gia với hơn 85% rừng trên thế giới dự kiến ​​sẽ cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Trong số các quốc gia ký kết, các nước như Brazil, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo... đã phải vật lộn với nạn phá rừng trong nhiều thập kỷ qua.

Kế hoạch đẩy lùi nạn phá rừng dự kiến ​​sẽ bao gồm cam kết 12 tỷ USD quỹ công từ 12 quốc gia từ năm 2021 - 2025 để bảo vệ và phục hồi rừng, cũng như 7,2 tỷ USD đầu tư tư nhân mới huy động được. Điều này sẽ bao gồm một quỹ mới trị giá 1,5 tỷ USD để bảo vệ lưu vực Congo - nơi có rừng mưa nhiệt đới lớn thứ 2 thế giới.

Cùng với đó, hơn 30 tổ chức tài chính với hơn 8,7 nghìn tỷ USD tài sản toàn cầu - bao gồm Aviva, Schroders và Axa - dự kiến ​​sẽ cam kết loại bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng.

Viện Tài nguyên Thế giới tính toán, rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải carbon dioxide. Tuy nhiên, vùng đệm khí hậu tự nhiên này đang nhanh chóng biến mất.

Theo chương trình ​​theo dõi nạn phá rừng Global Forest Watch, thế giới đã mất 258.000km vuông rừng vào năm 2020. Tổ chức Khí tượng Thế giới có trụ sở tại Geneva cho biết, các phần của rừng nhiệt đới Amazon đã biến đổi từ một "bồn rửa carbon" thành nguồn thải CO2 nghiêm trọng do nạn phá rừng và suy giảm độ ẩm trong khu vực.

Thông báo về nạn phá rừng không phải là một phần của các cuộc đàm phán chính thức của COP26, nhưng phản ánh nỗ lực của nước chủ nhà Vương quốc Anh trong các cuộc đàm phán về khí hậu trong việc tận dụng thời điểm này để thúc đẩy một loạt các sáng kiến, giúp giải quyết biến đổi khí hậu thông qua các thỏa thuận phụ trong cuộc đàm phán.

Quyết tâm của Chính phủ Anh trong việc thúc đẩy các thỏa thuận phụ quan trọng được coi là nhằm đảm bảo rằng COP26 có thể thành công trong việc thúc đẩy các nỗ lực kiểm soát biến đổi khí hậu ngay cả khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại đây không thể cam kết giảm phát thải.

Tất cả đều hướng đến mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 là giữ cho nhiệt độ nóng lên của Trái đất ở mức dưới 2 độ.

Văn phòng khí hậu của Liên Hợp quốc trong tuần này cảnh báo rằng thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải như một phần của các nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.

Văn phòng cho biết nồng độ carbon dioxide, methane và nitrous oxide đều cao hơn mức trong thời kỳ tiền công nghiệp trước năm 1750, khi các hoạt động của con người "bắt đầu phá vỡ trạng thái cân bằng tự nhiên của Trái đất".

Nhìn chung, thỏa thuận hôm 1/11 tại Glasgow mở rộng đáng kể cam kết tương tự của 40 quốc gia, một phần của Tuyên bố New York về Rừng năm 2014, và đã đạt được tiến bộ chưa từng có trong việc bố trí các nguồn lực để đạt được mục tiêu đó.

Reuters dẫn lời Roberto Waack - một lãnh đạo doanh nghiệp và là nhà sinh vật học người Brazil - đánh giá: "Thỏa thuận này là một cột mốc quan trọng trên con đường bảo vệ những khu rừng quý giá của chúng ta và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu".