Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến sáng 2/7, thế giới ghi nhận tổng cộng 10.777.769 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 517.810 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 5.926.848 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 57.838 và 4.333.111 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 1/7, thế giới có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, 75 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 ghi nhận kỷ lục “kinh hoàng” ở Mỹ
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số nhiễm Covid-19 nhiều nhất thế giới gồm Mỹ (45.416 ca) và Brazil (40.268 ca); trong khi các nước Brazil (976 ca), Mexico (648 ca) và Mỹ (624 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Tình hình dịch bệnh tại Mỹ, quốc gia chịu tác động mạnh nhất, vẫn diễn biến khó lường khi ghi nhận trên 2.773.269 triệu ca nhiễm và trên 130.746 ca tử vong.
Theo số liệu tổng hợp theo ngày của trường Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận thêm 45.416 ca nhiễm mới và 624 ca tử vong trong 24 giờ trước qua.
Dịch Covid-19 lây lan nhanh đã buộc nhiều thống đốc bang, đặc biệt ở các bang miền Tây và Nam, phải tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại. Bang Texas ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày cao nhất kể từ khi bùng dịch, với gần 7.000 ca. Trong khi đó, bang California vừa phát hiện một ổ dịch tại nhà tù San Quentin, một trong những cơ sở giam giữ lâu đời nhất ở bang này, với trên 1.000 tù nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bang California, bang đông dân nhất của Mỹ, cũng là một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với trên 200.000 ca nhiễm và trên 6.000 ca tử vong.
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn dịch bệnh truyền nhiễm của Nhà Trắng, nhận định Mỹ vẫn chưa thể kiểm soát được dịch COVID-19 và cảnh báo số ca nhiễm có thể lên tới 100.000 ca mỗi ngày, hơn gấp đôi mức 40.000 ca/ngày hiện nay, nếu không thực hiện nghiêm ngặt quy định giãn cách xã hội cũng như các biện pháp phòng dịch khác.
Australia phong tỏa 10 điểm nóng dịch tại bang Victoria
Chính quyền Victoria (Australia) buộc phải ban hành lệnh phong tỏa 10 khu vực điểm nóng dịch bệnh Covid-19 bao gồm 36 vùng ngoại ô của Melbourne.
Chính quyền bang Victoria của Australia từ ngày 2/7 bắt đầu phong tỏa 10 điểm nóng dịch Covid-19 nằm ở phía Tây TP Melbourne sau khi ghi nhận số ca nhiễm liên tục tăng ở mức 2 con số trong hơn 2 tuần.
Tiểu bang Victoria đã báo cáo 77 ca nhiễm mới tính đến ngày 2/7, tăng so với 1 ngày trước đó.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 1/7, Thủ tướng Scott Morrison cho biết: "Chúng tôi buộc phái áp lệnh phong tỏa tại những khu vực xuất hiện ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến trở lại, chúng tôi hy vọng sẽ kiếm soát được tình hình dịch khi thực hiện biện pháp hạn chế tại bang Victoria".
Dự kiến thời gian phong tỏa sẽ kéo dài đến cuối tháng 7 và người dân tại các khu vực này chỉ được phép ra khỏi nhà trong một số trường hợp nhất định.
Sau 15 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới ở mức 2 con số, trong đó hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có nguồn lây trong cộng đồng, chính quyền Victoria đã phải ban hành lệnh phong tỏa 10 khu vực điểm nóng dịch bệnh bao gồm 36 vùng ngoại ô của TP Melbourne.
Lệnh cấm đi lại đối với hơn 300.000 người dân bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay và dự kiến kéo dài đến ngày 29/7 tới. Người dân tại các khu vực bị phong tỏa sẽ chỉ được ra khỏi nhà với những lý do thiết yếu như đi học hoặc đi làm, chăm sóc y tế, mua thực phẩm và tập thể dục.
Theo các chuyên gia y tế Australia, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Victoria là do một số nguyên nhân bao gồm việc thiếu ý thức phòng dịch của người dân, nhân viên tại các cơ sở kiểm dịch không được đào tạo đầy đủ về phòng chống lây nhiễm và người cách ly không được xét nghiệm Covid-19 trước khi về với gia đình.
Tính đến ngày 2/7, Australia ghi nhận khoảng 8.000 ca mắc Covid-19 và 104 người tử vong.