Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

COVID-19 lan ra 60 nước và vùng lãnh thổ, WHO tăng cảnh báo dịch lên mức cao nhất

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nâng mức đánh giá rủi ro toàn cầu vì dịch COVID-19 lên mức cao nhất trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan nhanh và mạnh khắp các châu lục, ngoại trừ Nam cực.

WHO tăng cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 từ "cao" lên mức cao nhất "rất cao", do sự gia tăng của các ca nhiễm và các nước bị ảnh hưởng "rất đáng lo ngại".
"Chúng tôi hiện đã tăng đánh giá về nguy cơ lây lan và ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên mức rất cao ở cấp độ toàn cầu", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại buổi họp báo ở Geneva hôm 28/2. Ông Tedros cho rằng số ca nhiễm và số nước mới xuất hiện dịch gia tăng trong những ngày gần đây "rõ ràng rất đáng lo ngại".
 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO, nói rằng "rất cao" là mức "đánh giá cao nhất về nguy cơ lây nhiễm và tác động" của dịch bệnh. 
Tuy nhiên, ông Ryan cho hay WHO không định làm mọi người hoảng sợ. "Đây là sự kiểm tra thực tế đối với mỗi chính phủ: Hãy thức tỉnh. Hãy sẵn sàng. Virus SARS-CoV-2 này có thể đang trên đường tới và các bạn cần sẵn sàng. Các bạn có nghĩa vụ với công dân của mình, các bạn có nghĩa vụ với toàn thế giới", tiến sĩ Ryan lưu ý.
Ông Ryan cho rằng "thật vô nghĩa" khi hỏi liệu dịch bệnh COVID-19 có thể được coi là "đại dịch" hay không. Nếu WHO coi đây là đại dịch, "về cơ bản chúng ta sẽ chấp nhận rằng mọi người trên trái đất sẽ tiếp xúc với virus đó. Dữ liệu không cho thấy điều này", ông Ryan khẳng định.
Lãnh đạo WHO cũng cho biết hơn 20 loại vaccine chống dịch bệnh COVID-19 đang được phát triển trên toàn cầu và một số phương pháp điều trị đã được thử nghiệm lâm sàng với kết quả dự kiến công bố "trong một vài tuần".
Trước đó, hôm 27/2, Tổng giám đốc Tedros cho rằng thế giới đang ở "thời khắc quyết định" khi các ổ dịch COVID-19 xuất hiện tại Iran, Italia và Hàn Quốc đang lây lan mạnh. Ông Tedros cảnh báo tất cả các quốc gia đều phải chuẩn bị sẵn sàng cho các ca nhiễm nCoV đầu tiên. "Không một nước nào chủ quan rằng họ sẽ không có ca nhiễm bệnh. Đó có thể là sai lầm chết người. Virus này không có biên giới", người đứng đầu WHO khẳng định.
WHO hôm 30/1 tuyên bố dịch COVID-19 là "tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế", nhưng cho rằng không có lý do ra lệnh cấm đi lại toàn cầu. Tổng giám đốc WHO hôm 12/2 nói dịch bệnh COVID-19 đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng, kêu gọi đẩy nhanh quá trình tìm thuốc chữa trị và vaccine. 
Sau đó, ngày 22/2, ông Tedros cảnh báo cơ hội khống chế sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 đang hẹp lại bởi sự gia tăng các ca nhiễm mới bên ngoài Trung Quốc. Đến hôm 26/2, WHO khẳng định lần đầu tiên có nhiều trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 mới ở bên ngoài Trung Quốc hơn tại nước này, đánh dấu bước ngoặt mới của diễn biến dịch.
 Hàn Quốc hiện là ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc.
Tuyên bố mới nhất của WHO được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19, khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quóc vào tháng 12/2019, đã lan ra tổng cộng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 84.000 ca bệnh, hơn 2.800 ca tử vong, gần 37.000 người khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục là 88 người.
Hàn Quốc hiện là ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, với gần 2.400 ca dương tính với virus corona. Sáng 29/2, Cơ quan Y tế Hàn Quốc thông báo có thêm 594 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh COVID-19 tại nước này lên 2.931 ca.
Mexico và Azerbaijan là hai quốc gia mới nhất xuất hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell ngày 28/2 cho biết ca nhiễm bệnh COVID-19 đầu tiên của nước này là một thanh niên ở thủ đô.
Chính phủ Azerbaijan cùng ngày xác nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên tại nước này là một công dân Nga đến từ Iran. Giới chức y tế cho biết bệnh nhân đã được đưa vào khu cách ly và có tình trạng sức khỏe ổn định./.