Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Covid-19 trong ký ức của những nữ bác sĩ nơi tuyến đầu

Bài, ảnh: Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy cam go, biết bao nữ chiến sĩ áo trắng đã hy sinh thầm lặng, dũng cảm “băng mình” vào “điểm nóng” bất kể ngày đêm với mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Đã không ít lần, những bóng hồng ấy rơi nước mắt, đổ mồ hôi, trắng đêm bên bệnh nhân, đôi khi tưởng chừng như muốn gục ngã, nhưng bằng ý chí và nghị lực, họ đã kiên cường chiến đấu, giành sự sống cho người bệnh.
Nửa đêm lên đường làm nhiệm vụ

Cho đến hôm nay, dịch Covid-19 đã tạm lắng nhưng bác sĩ Nguyễn Thị Xuyến - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Thanh Oai không khỏi xúc động khi nhắc đến những ngày gồng mình chống dịch. Là nữ bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, bác sĩ Xuyến hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch Covid-19 hơn ai hết.

Ngay khi Covid-19 xuất hiện, chị cùng đồng nghiệp đã thầm lặng ngày đêm làm nhiệm vụ giám sát tại cộng đồng, hỗ trợ một số quận, huyện lấy mẫu xét nghiệm tại khu cách ly tập trung Xuân Mai, tăng cường phòng dịch tại Sân bay Nội Bài, ổ dịch Mê Linh khi các địa phương có ca bệnh.
Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, bác sĩ Nguyễn Thị Xuyến cùng đồng nghiệp đã thầm lặng làm nhiệm vụ ngày đêm.
Vốn là Đội trưởng đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch của TTYT huyện, lăn lộn nhiều ở tâm dịch nhưng có lẽ đợt dịch vừa qua thực sự là những ngày gian truân với bác sĩ Xuyến cũng như cán bộ, nhân viên y tế nơi đây. Giữa lúc Hà Nội “nóng” với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai cũng là thời điểm huyện Thanh Oai phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại tòa HH01C, khu đô thị Thanh Hà. Khi ấy, bỏ qua những rào cản về sức khỏe, sự yếu mềm của người phụ nữ, bác sĩ Xuyến cùng những nữ cán bộ y tế nhanh chóng “lao vào cuộc chiến”.

Vì công tác phòng dịch là phải khẩn trương cách ly, khoanh vùng, nếu không sẽ khó truy vết người bệnh, hoặc để người nghi ngờ di chuyển sẽ rất khó tìm… nên các y bác sĩ phải tranh thủ làm việc xuyên đêm. Sau khi trắng đêm hoàn thành điều tra, xử lý ổ dịch, chị cùng đội phản ứng nhanh về đến cơ quan thì trời cũng đã sáng. Chưa kịp nghỉ ngơi, cả đội lại tiếp tục lên đường điều tra dịch tễ toàn bộ người dân trong tòa chung cư này, thu thập thông tin từng hộ. “Nhiều lúc, về đến cơ quan, chúng tôi gần như kiệt sức, cảm giác chân không muốn bước, phải huy động đội dự phòng thay ca”- nữ bác sĩ xúc động nhớ lại.

Bác sĩ Xuyến cũng chia sẻ, hiện, tỷ lệ nữ ở TTYT chiếm tới 70% nhân lực. Đặc biệt, trong đội phản ứng nhanh, thời gian đi chống dịch, nhiều đêm không được về nhà dù đang nuôi con nhỏ. Hay có hôm nửa đêm cũng phải để con ở nhà để lên đường làm nhiệm vụ. Những lúc như thế với người phụ nữ là cả một sự đấu tranh rất lớn.

Trưởng thành, vững vàng hơn

Với bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến - Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chẳng thể nào quên những ngày “trực chiến” tại ổ dịch Trúc Bạch, ổ dịch Covid-19 đầu tiên của Hà Nội. Với chị, khó khăn nhất không phải là những ngày vật lộn, căng thẳng ở các ổ dịch, mà là cố gắng vượt qua nỗi nhớ con khi liên tục vắng nhà để làm nhiệm vụ. Nhưng ở thời điểm cấp bách ấy, chị đã gạt đi mọi âu lo để vững vàng hoàn thành nhiệm vụ với vai trò là Đội phó Đội đáp ứng nhanh của CDC Hà Nội.

Khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh đầu tiên (bệnh nhân số 17) tại phường Trúc Bạch, quận Tây Hồ, chị cùng đội phản ứng nhanh lập tức lên đường nhận nhiệm vụ. Thời điểm ấy, đội phản ứng nhanh luôn trong tinh thần sẵn sàng đến những điểm cần khoanh vùng, điều tra dịch tễ ổ dịch… “Khoảng 18 giờ ngày 6/3, chúng tôi đến nơi ở của bệnh nhân 17 và người đầu tiên tôi gặp là lái xe của bệnh nhân (sau này, lái xe cũng mắc Covid-19). Chúng tôi đã khẩn trương điều tra, lên danh sách những người tiếp xúc trực tiếp. Vì đây là ổ dịch đầu tiên nên chúng tôi muốn khai thác triệt để, tránh bỏ sót các nguy cơ. Lúc đó, cả đội vừa làm vừa run khi biết mình đang ở nơi nguy hiểm nhất mà sau lưng còn con nhỏ và mẹ già”- bác sĩ Hải Yến nhớ lại.

Ngay đêm đó, nhận kết quả xét nghiệm, chạy mẫu các trường hợp tiếp xúc đã có thêm bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, chị Yến và các đồng nghiệp thực sự lo lắng vì chưa biết mức độ an toàn với mình ra sao, mặc dù tất cả đều tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng hộ. Nhưng nhờ xử lý kịp thời, ổ dịch được kiểm soát nhanh chóng, lúc này, cả đội mới thở phào, nhẹ nhõm.

Sau ổ dịch đầu tiên ở Trúc Bạch, bác sĩ Hải Yến tiếp tục những ngày lăn lộn với nhiệm vụ xử lý, điều tra các ổ dịch phát sinh tiếp theo như ổ dịch tại 200 Nguyễn Sơn (quận Long Biên), ổ dịch tại Hạ Lôi (huyện Mê Linh)... Rồi việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở sân bay, điều tra dịch tễ, truy vết các ca liên quan đến các ca bệnh. “Đến nay, tôi chẳng thể nhớ nổi mình đã đi những đâu để khoanh vùng dập dịch Covid-19. Nhưng những ngày tháng tham gia vào nhiệm vụ đặc biệt ấy đã giúp tôi trưởng thành, mạnh mẽ và vững vàng hơn trước”- bác sĩ Hải Yến chia sẻ.