Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI đạt kết quả kép

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những điểm nổi bật nhất của nền kinh tế trong 11 tháng qua cũng như kỳ vọng cả năm 2019 là kiểm soát lạm phát đạt kết quả kép.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Phạm Hùng
Tốc độ tăng CPI thấp 
Từ những kết quả thống kê về diễn biến của nền kinh tế trong 11 tháng 2019 có thể nhận diện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên một số điểm. Thứ nhất, tốc độ tăng CPI bình quân của 11 tháng năm 2019 thấp hơn nhiều so với của cùng kỳ năm trước (2,57% so với 3,59%). Đây là diễn biến được quan tâm nhất, vì nó liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng, đến cuộc sống hàng ngày của người dân, khi CPI tăng thấp hơn thu nhập danh nghĩa thì mức sống thực tế sẽ tăng. Nếu xét biến động giá của từng nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể có thể thấy rõ hơn. Có 5 nhóm có tốc độ tăng CPI bình quân thấp hơn cùng kỳ năm trước là lương thực, nhà ở và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế , giao thông, giáo dục.
Từ 11 tháng, có thể dự báo tốc độ tăng CPI bình quân cả năm 2019 sẽ không vượt quá 2,65%. Nếu dự báo này là đúng, thì CPI bình quân năm 2019 có một số điểm vượt trội. CPI không tăng cao như 10 năm của thời kỳ 2004 - 2013 và tăng thấp trong thời kỳ 2014 - 2016, bằng nhiều giải pháp, với “tư duy kiềm chế” được thực hiện đã gây ra những hiệu ứng phụ về nhiều mặt. Từ 2017 đến nay chuyển sang tư duy “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu” và năm 2019 được coi là thành công kép: Theo đó, CPI vừa góp phần làm cho GDP tăng cao hơn, vừa góp phần cải thiện mức sống thực tế, nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia khi tỷ giá cơ bản ổn định… Đây cũng là cơ sở để đề ra mục tiêu CPI cho năm 2020 (dưới 4%).
Yếu tố nào đóng góp vào thành công kép?
Việc kiểm soát lạm phát đạt kết quả kép do nhiều yếu tố, trong đó có một số yếu tố chủ yếu. Tổng quát nhất là quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP, giữa cung và cầu. Trong 11 tháng 2019 đã xuất siêu 9,1 tỷ USD, cao nhất so với mức của cùng kỳ các năm trước. Chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện một bước. Hiệu quả đầu tư được cải thiện thể hiện ở hệ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) từ vài năm nay đã giảm xuống dưới 6 lần. Năng suất lao động tiếp tục tăng với tốc độ cao (gần 6%). Tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đối với tốc độ tăng trưởng GDP đã tăng và đạt mức khá. Tỷ trọng đóng góp của 2 yếu tố tăng lượng vốn và tăng số lượng lao động đang làm việc đã giảm (từ 66,42% xuống còn 55%).
Một yếu tố trực tiếp tác động và làm cho lạm phát bộc lộ ra là yếu tố tài chính, tiền tệ. Tổng thu ngân sách cao hơn tổng chi. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng thấp hơn định hướng; cơ cấu tín dụng được chuyển dịch theo xu hướng tích cực; Tốc độ tăng tỷ giá VND/USD sau 11 tháng và tăng bình quân năm vẫn còn thấp (tương ứng là giảm 0,58% và tăng 1,16%), đây là kết quả tích cực đạt được trong điều kiện tỷ giá nội tệ/USD của nhiều nước tăng cao hơn nhiều. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã giảm mạnh so với trước kia. Điều đó chứng tỏ tâm lý găm giữ ngoại tệ và vàng đã giảm, lòng tin vào đồng tiền quốc gia tăng lên.
Một yếu tố quan trọng khác là các loại giá do Nhà nước quyết định để thực hiện lộ trình giá thị trường từ năm ngoái đến nay đã linh hoạt, phù hợp với mức độ lạm phát theo mục tiêu. Đồng thời, việc tranh thủ khi diễn biến CPI tăng thấp và khi có lượng ngoại tệ từ các nguồn tăng khá (do cán cân thương mại thặng dư, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng, kiều hối tăng, chi tiêu của khách quốc tế tăng…) để tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục, vừa góp phần làm tăng tính thanh khoản và an toàn tài chính, vừa chủ động, linh hoạt can thiệp thị trường ngoại hối, vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu…
Mặc dù đạt được thành công kép, nhưng chưa thể chủ quan thỏa mãn với lạm phát cuối năm nay và đầu năm sau, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến giá một số loại hàng hóa dịch vụ quan trọng hiện tốc độ tăng bình quân 11 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ. Giá thực phẩm (4,43% so với 3,22%), kéo theo ăn uống ngoài gia đình tăng theo (3,16% so với 2,29%). Trong nhiều biện pháp thực hiện hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát xuất khẩu lợn tiểu ngạch, tăng nhập khẩu, hỗ trợ tái đàn, nhất là đàn nái… Tạm thời chưa hoặc giảm thiểu liều lượng khi tăng giá điện, xăng dầu, nước, dịch vụ giáo dục, y tế… ít nhất từ nay đến tháng 3/2020. Năm tới còn tăng lương cơ sở với tốc độ tăng cao hơn những năm trước sẽ có tác động cộng hưởng.