Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI làm khó chứng khoán Mỹ, nhà đầu tư mất phương hướng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giao dịch ảm đạm trong phiên ngày 11/1, sau khi báo cáo mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng cao hơn dự báo.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ gần như không đổi trong phiên ngày 11/1. Ảnh: The Street
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ gần như không đổi trong phiên ngày 11/1. Ảnh: The Street

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq Composite đi ngang và đóng cửa ở mức 14.970,19 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 15,29 điểm (tương đương 0,04%), lên 37.711,02 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,07%, xuống còn 4.780,24 điểm.

Báo cáo mới nhất được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy CPI trong tháng 12/2023 tăng mạnh hơn so với kỳ vọng, với mức tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones trước đó, các nhà kinh tế dự báo CPI tháng 12 tăng 0,2% và tăng 3,2% trong cả năm. Trong tháng 11/2023, CPI ghi nhận mức giảm 0,2% trong tháng và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi nhích 0,3% so với tháng 11/2023 và 3,9% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo tương ứng của các nhà kinh tế là 0,3% và 3,8%.

Sau khi báo cáo CPI được công bố, thị trường đã giảm bớt kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất từ tháng 3 tới.

Giám đốc đầu tư Jon Maier của công ty Global X nhận định với đài CNBC: “Việc CPI tăng nhiệt là một lời nhắc nhở quan trọng về bản chất khó lường của sự phục hồi kinh tế và không chắc chắn của dữ liệu kinh tế vĩ mô. Thị trường cần phải chuẩn bị đón nhận những biến động tiềm ẩn vì Fed có thể duy trì hoặc đẩy mạnh chính sách thắt chặt tiền tệ để đối phó với áp lực lạm phát”.

Sau khi ghi nhận kết quả khởi sắc trong năm 2023, chứng khoán Mỹ đang chật vật tìm lực đẩy mới khi bước sang năm 2024. Sàn Phố Wall đón nhận các số liệu kinh tế tốt xấu đan xen và những tuyên bố thận trọng của giới chức Fed làm giảm kỳ vọng về thời điểm và số lần hạ lãi suất của Fed trong năm nay.

Theo các chuyên gia của ngân hàng Mỹ Barclays, số liệu CPI tháng 12 cho thấy các nhà đầu tư đang lạc quan thái quá về khả năng sớm giảm lãi suất của Fed.

Chiến lược gia trưởng về thị trường Julien Lafargue của Barclays cho biết: “Mức tăng bất ngờ của CPI tháng 12 là dấu hiệu cảnh báo đối với thị trường rằng Fed sẽ giảm lãi suất, nhưng thời điểm đó sẽ không sớm diễn ra”.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester hôm 11/1 nói rằng dữ liệu CPI tháng 12 cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ chưa thể hoàn toàn yên tâm rằng lạm phát đang giảm một cách chắc chắn về mục tiêu 2%.

Bà Mester nhận định, hiện còn quá sớm để Fed có thể xem xét cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 3 tới, đồng thời lưu ý rằng rằng dữ liệu lạm phát mới cho thấy các nhà hoạch định chính sách còn nhiều việc phải làm.

Trong phiên giao dịch ngày 11/1, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng lên sau khi dữ liệu CPI được công bố, đạt mức cao nhất là 4,068%. Đến cuối ngày 11/1, lãi suất đã giảm về mức 3,972%. 

Theo chiến lược gia đầu tư trưởng Sam Stovall của CFRA, diễn biến ảm đạm của thị trường một phần bị tác động từ những kỳ vọng xung quanh thời điểm Fed hạ lãi suất cũng như lo lắng về lợi nhuận doanh nghiệp. 

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023 sẽ bắt đầu trong tuần này. Các ngân hàng khổng lồ như Bank of America, Wells Fargo và JPMorgan Chase sẽ công bố kết quả kinh doanh vào ngày 12/1. 

Chuyên gia Stovall lưu ý thêm: “Lợi nhuận doanh nghiệp đang gia tăng thêm nỗi lo ngại của nhà đầu tư. Thị trường đang có một chút bất an khi vào cuối năm 2023, lợi nhuận được dự báo sẽ tăng 2,1% trong quý 4. Tuy nhiên, hiện tại, dự báo này chỉ còn 1,7%”.