Nếu chính sách này đi vào cuộc sống, sẽ được coi là "cú hích" quan trọng cho chăn nuôi nông hộ hiện nay.
Chăn nuôi nhỏ lẻ - rủi ro cao
Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên hơn 20 tỉnh, TP với hơn 60.000 con gia cầm bị mắc bệnh, ốm, chết và tiêu hủy. Theo nhận định của Cục Thú y, các ổ dịch vừa qua xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình. Ngoài những nguyên nhân khách quan như chủng virus cúm gia cầm ngày càng có sự biến đổi, điều kiện khí hậu, thời tiết, việc bùng phát và lây lan dịch bệnh còn có nguyên nhân do các hộ chăn nuôi không thực hiện tốt quy định về tiêm phòng vaccine cũng như vệ sinh chuồng trại… Không chỉ chăn nuôi gia cầm, người chăn nuôi lợn trong nước cũng gặp nhiều khó khăn trong vài năm trở lại đây do giá bán sản phẩm xuống thấp, trong khi giá vật tư đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong tháng 2/2014, số lượng trâu cả nước giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm trước, đàn bò giảm 1% và đàn lợn cũng giảm nhẹ. Trong khi đó, giá một số mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, khô dầu đậu tương, cám gạo đều tăng từ 1,4 - 1,6% so với thời điểm tháng 1. Khó khăn, dịch bệnh đã khiến cho nhiều hộ chăn nuôi nhỏ rơi vào cảnh thua lỗ, phải "treo chuồng".
Theo thống kê, cả nước hiện có gần 12 triệu hộ tham gia chăn nuôi, trong đó 7,5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm và hơn 4 triệu hộ nuôi lợn. Đây là lĩnh vực giải quyết sinh kế cho hàng triệu lao động, song đa số các hộ chăn nuôi đều chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng dịch, chưa có đầu ra sản phẩm ổn định nên thường xuyên bị tư thương ép giá. Trong 5 năm qua, tổng số hộ chăn nuôi giảm từ 5 - 7%/năm. Vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), việc ban hành chính sách đổi mới chăn nuôi nông hộ là rất cần thiết.
Hỗ trợ là cần thiết, nhưng phải hiệu quả
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, theo dự thảo Quyết định về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp về giống, thú y, đào tạo, tập huấn kỹ năng chăn nuôi… sẽ đến với các hộ chăn nuôi. Đáng chú ý, mức hỗ trợ 1 lần mua lợn nái là 1 triệu đồng/nái đối với giống ngoại lai và 500.000 đồng/nái đối với các giống tại địa phương; hỗ trợ cho hộ nuôi gia cầm trên 200 con mái thường xuyên là 100% mức lãi suất vay 24 tháng tiền mua gà, vịt giống; hỗ trợ 100% vaccine tiêm phòng định kỳ hàng năm với bệnh lở mồm long móng, dịch tả… Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia và đại diện các địa phương, chính sách hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi là cần thiết, song cần phải tính toán sao cho hiệu quả và hợp lý. Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, không nên hỗ trợ tràn lan mà nên tập trung những vấn đề đang nổi lên trong chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay là: Không có kiểm soát, chuồng trại không đảm bảo về kỹ thuật, công tác giống, phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường và tổ chức đổi mới sản xuất nhằm nâng cao được giá trị gia tăng cho người chăn nuôi nông hộ.
Nhiều địa phương cũng đề nghị, cần đưa ra điều kiện cụ thể phù hợp để người dân được hỗ trợ. Trong đó, quy định rõ quy mô, quy hoạch vùng được chăn nuôi và cam kết bảo vệ môi trường. Đa số ý kiến cho rằng, Nhà nước không nên hỗ trợ tiền mua con đực/nái giống, thay vào đó là tập trung hỗ trợ thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng giống. Nếu làm được các vấn đề này sẽ thực sự tạo được “cú hích” cho chăn nuôi nông hộ, nhất là trong bối cảnh nước ta sắp gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chăm sóc gà thịt tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh.
|
Đổi mới chăn nuôi nông hộ phải có tiêu chí, quy mô bao nhiêu, chứ nếu hỗ trợ cả hộ nuôi 1 con lợn thì ai cũng nuôi, ế thừa hết. Hơn nữa, tùy theo từng tỉnh mà hỗ trợ những vấn đề địa phương đang khó khăn để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi. Ông Nguyễn Huy Đăng -Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội |