Trong số các vụ án đó, phiên tòa xét xử Bùi Mạnh Linh (25 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) tự “nổ” mình là “con lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng” để lừa đảo gần 700 triệu đồng, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận bởi bị cáo phạm tội khi còn quá trẻ.
Khi niềm tin đặt sai chỗ…
Theo truy tố, năm 2010, anh Vũ Thế D. (SN 1986, ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai) và anh Trương Trọng H. (SN 1971, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) quen biết với Linh ở lớp học tại chức. 4 năm sau (năm 2014) gặp lại, Linh giới thiệu có bố đẻ là Cục trưởng Cục điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng và bố vợ làm Phó ban Nội chính T.Ư.
Với thân thế đó, Linh khoe có khả năng xin việc trong Bộ Quốc phòng. Do có nhu cầu, anh D. đã đặt vấn đề với Linh. Sau đó, Linh đồng ý là sẽ xin cho anh D. vào làm việc tại Cảng hàng không dịch vụ bay trực thăng Binh đoàn 18 và được đeo hàm trung úy. Để có công việc này, Linh “phát giá” 350 triệu đồng cho chi phí xin việc và phải đặt cọc trước 100 triệu đồng. Sau khi nhận đủ tiền, Linh lại lấy lý do có thể chạy được hàm đại úy với chi phí phát sinh 100 triệu đồng. Do tin tưởng nên anh D. đã giao tiền cho Linh.
Để "con mồi" tin tưởng, Linh đã đưa cho anh D. bộ quân hàm đại úy của quân đội cùng biển hiệu đeo ở ngực áo. Vài ngày sau, Linh tiếp tục gọi điện nói đã có quyết định đi làm và “vòi” thêm 10 triệu tiền lót tay để lấy quyết định. Tuy nhiên, do nghi ngờ nên anh D. đã dẫn Linh lên cơ quan công an trình báo.
Trước đó, bằng cách thức tương tự, Linh cầm của 2 nạn nhân khác số tiền 315 triệu đồng với mục đích chạy vào làm việc tại trại tạm giam. Quá trình “giăng bẫy” các nạn nhân này, Linh còn lừa đảo cả bạn bè của người yêu. Khi đó, Linh lấy tên giả là Thái Học Linh, tự xưng đang công tác tại tình báo quân đội và có thể xin việc làm tại cơ quan Nhà nước. Vì tin tưởng, 3 bị hại đã chuyển số tiền 120 triệu đồng để xin vào làm việc tại Bưu chính viễn thông (VNPT) Nghệ An và Chi cục thuế TP Vinh. Lần này, để các nạn nhân tin là thật, Linh còn gọi điện báo họ đến thi tuyển công chức ở VNPT Nghệ An. Tuy nhiên, khi đến nơi, đối tượng đã dẫn họ vào quán cà phê gần đó và đưa đề thi tuyển công chức được tải trên internet. Sau khi nạn nhân nộp bài, Linh còn gợi ý nộp kèm phong bì 3 triệu đồng. Khi đến hạn không thấy được vào làm việc như hứa hẹn, các nạn nhân gọi điện thúc giục thì Linh khất lần.
Tại cơ quan điều tra, Linh khai nhận do cần tiền tiêu xài nên bịa chuyện có bố "làm to" để nhận tiền của các bị hại. Còn những bộ quần áo kiểu quân đội, ve hàm, cầu vai…, Linh khai nhận mua của một phụ nữ không quen biết trên đường Lê Duẩn với giá 250.000 đồng. Những quyết định tiếp nhận, tuyển dụng của VNPT Nghệ An, Chi cục thuế TP Vinh là do Linh tự soạn thảo, in ra và đóng dấu. Tính đến thời điểm bị bắt, Linh đã lừa đảo để chiếm đoạt tổng cộng hơn 680 triệu đồng của 4 bị hại.
… và cái giá phải trả
Bị đưa ra tòa xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Linh khai nhận, giữa năm 2010, đối tượng bắt đầu theo học lớp đại học tại chức tại một học viện đặc thù ở Hà Nội. Tại đây, Linh quen biết anh Vũ Thế D. Sau khi ra trường, dù không còn thường xuyên gặp gỡ nhưng Linh và D. vẫn giữ liên lạc. Như một sự tình cờ, vào cuối năm 2014, trong một lần đến Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội để thăm bạn, anh D. không những gặp lại Linh mà còn cho vay 40 triệu đồng.
Cũng theo lời khai của Linh tại phiên tòa sơ thẩm, trong lần gặp gỡ đó, Linh đã tự mạo nhận là con trai và là con rể của cán bộ cấp cao. Với cái “mác" này, Linh đã nói với anh D. nếu muốn trở thành quân nhân chuyên nghiệp và đeo luôn hàm trung úy thì Linh sẽ giúp đỡ với tổng chi phí 350 triệu đồng. Tin tưởng vào người bạn từng nhiều năm học tập cùng nhau nên anh D. đã đồng ý. Sau đó, trong chiều cùng ngày vào Viện 108 thăm bạn, anh D. đã đưa thêm cho Linh 60 triệu đồng và cả hai cùng thống nhất đã đặt cọc 100 triệu đồng để “chạy” việc làm.
Quá vui mừng trước những lời hứa “chắc như đinh đóng cột” của bạn, đúng 3 ngày sau, anh D. đã chủ động hẹn gặp và giao tiếp cho Linh số tiền 150 triệu đồng. Thấy có thể “đào mỏ” bạn học cũ một cách dễ dàng nên cứ cách vài ngày, Linh lại gọi điện bảo anh D. đưa thêm tiền để “chạy” việc với hàng ngàn lý do được viện ra. Và tổng cộng sau 5 lần trao đổi, Linh đã chiếm đoạt của bạn học cũ số tiền lên đến 460 triệu đồng. Bỏ ra một lúc gần 500 triệu đồng nhưng đổi lại anh D. chỉ được Linh giao cho bộ quân hàm đại úy và phù hiệu quân đội do đối tượng này mua của một người không quen biết với giá... 250.000 đồng!
Ngoài ra, cũng với thủ đoạn tự nhận là con trai và con rể của cán bộ cấp cao và có thể xin việc cho bất kỳ ai vào bất cứ cơ quan Nhà nước nào, Linh lại tiếp tục “biến” một người bạn học khác là anh Trương Trọng H. trở thành nạn nhân tiếp theo trong cái bẫy do mình giăng ra. Theo lời khai của Linh, trước vỏ bọc hoàn hảo mà Linh đã tạo ra trước đó và do tin tưởng bạn học cũ nên từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, anh H. đã giao cho Linh 2 bộ hồ sơ và gần 100 triệu đồng để nhờ xin cho 2 người thân vào làm việc ở những cơ quan Nhà nước có tầm cỡ. Ngoài ra, trong quá trình “chạy” việc cho người thân, anh H. còn 2 lần cho Linh vay hơn 200 triệu đồng với suy nghĩ đơn giản đó là tiền “chạy” việc nếu mọi việc thuận lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, cả anh D. và anh H. đều không thể biết được rằng mình đang “giao trứng cho ác”.
Ngoài lời khai của bị cáo Linh tại phiên tòa, trong hồ sơ vụ án mà phóng viên tiếp cận được còn thể hiện, vào ngày 15/1/2012, một lần nữa Linh gọi điện cho anh D. nói đã có quyết định đi làm và yêu cầu anh D. đưa tiếp 10 triệu đồng để lót tay lấy quyết định về. Nghi ngờ bị bạn cũ lừa đảo nên một mặt anh D. đã hẹn giao tiền cho Linh ở khu vực cổng Bệnh viện 108, một mặt gọi điện cho anh H. cùng tới đó phối hợp để giữ Linh. Và theo đúng kế hoạch, khi Linh vừa xuất hiện để nhận tiền thì bị các bị hại áp giải về trụ sở Công an phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng để trình báo sự việc.
Sau khi tiến hành điều tra, cơ quan công an cũng đã làm rõ, đối tượng chiếm đoạt tiền của anh D. và anh H. không hề có bố đẻ và bố vợ là cán bộ cấp cao. Trên thực tế, những người thân sinh ra Linh chỉ là công chức, viên chức bình thường, và đối tượng này chưa từng lấy vợ. Bên cạnh đó, xác minh tại những đơn vị, cơ quan mà Linh hứa hẹn “chạy” việc cho nhiều người vào đó, Cơ quan điều tra nhận thấy không có bất kỳ hồ sơ hay trường hợp nào tương ứng. Còn đối với những bộ quân hàm mà Linh giao cho anh D., anh H. cùng một số quyết định tuyển dụng và bộ quân tư trang của Linh đều có nguồn gốc trôi nổi, giả mạo.
Trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra còn làm rõ, trong năm 2014, Linh còn lừa đảo để chiếm đoạt số tiền 120 triệu đồng của 2 phụ nữ ở TP Vinh cũng với thủ đoạn lừa “chạy” việc vào lực lượng vũ trang và cơ quan Nhà nước tại Nghệ An. Tuy nhiên, đến tháng 12/2014, thấy Linh không xin được việc làm như đã hứa nên các bị hại đã nhiều lần gọi điện để hỏi. Sau đó, Linh buộc phải thừa nhận mình không có khả năng xin được việc cho ai và đã phải trả lại số tiền trên.
Ngoài ra, vào thời điểm phiên tòa sơ thẩm diễn ra mới đây, gia đình Linh đã khắc phục thay cho bị cáo được gần 600 triệu đồng. Sau khi xem xét lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt bị cáo Linh 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mong rằng, qua vụ án này sẽ giúp mỗi người có thể hiểu và luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để tránh mắc phải hậu quả tương tự.
Bị cáo Bùi Mạnh Linh tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình
|