Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cử tri có được bầu cử thay?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gia đình tôi có 4 người trong độ tuổi đi bầu cử. Nếu một người trong gia đình đại diện đi bầu cử thay cho các thành viên còn lại thì có được không?

Nguyễn Thị Hoài (quận Hoàng Mai, Hà Nội)
Trả lời:

Nguyên tắc bỏ phiếu được quy định tại Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội và ĐB HĐND các cấp năm 2015.

Theo đó, mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu ĐB Quốc hội và bỏ một phiếu bầu ĐB HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.

Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Như vậy, trường hợp nếu gia đình bạn cử một người đại diện đi bầu cử hộ các thành viên khác là không đúng với quy định của luật.

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn