Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cử tri Hà Đông kiến nghị nhiều vấn đề về nhà văn hóa, đô thị

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 24/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội (thuộc đơn vị bầu cử số 10) tiếp xúc cử tri quận Hà Đông trước kỳ họp thứ 10, HĐND TP khóa XVI. Cử tri Hà Đông kiến nghị nhiều nhóm vấn đề về quản lý, xây dựng nhà văn hóa, hoàn thiện hạ tầng đô thị.

Tại hội nghị, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đại diện biểu thuộc đơn vị bầu cử số 10 đã thông tin đến cử tri Hà Đông nội dung làm việc gồm: tiếp xúc cử tri (TXCT) trước kỳ họp và giám sát chuyên đề về thực hiện quản lý, sử dụng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Thông báo đến cử tri về thời gian dự kiến tổ chức HĐND TP kỳ họp thứ 10 Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026; báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023; báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau tại kỳ họp trước; lãnh đạo quận Hà Đông báo cáo về việc xây dựng, quản lý, khai thác nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; những nội dung cơ bản HĐND TP kỳ họp thứ 10 sẽ họp, bàn, giám sát các hoạt động.

Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri tại Hà Đông.
Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri tại Hà Đông.

Cụ thể, về công tác phòng chống tội phạm, chống tham nhũng, các báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội, giám sát của UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội; báo cáo đầu tư công, kết quả thực hiện Nghị quyết 04 của UBND TP Hà Nội, đầu tư hạ tầng đô thị, xem xét 7 nội dung tờ trình về đầu tư, phát triển kinh tế năm 2023, tổng biên chế nhà nước 2023; giám sát giải quyết kiến nghị cử tri, xem xét 23 Nghị quyết chuyên đề liên quan đến vấn đề đầu tư, đổi tên thôn, phố; giám sát về cải cách hành chính và chuyển đổi số, chất vấn và tái chất vấn,…

Tổ đại biểu số 10 HĐND TP giám sát chuyên đề thực hiện nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn Hà Đông. Tại hội nghị, bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông báo cáo với cử tri về công tác quản lý, sử dụng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn...

Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc.
Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Buổi TXCT đã nhận được 11 ý kiến của các phường Đồng Mai, Văn Quán, Vạn Phúc, Biên Giang, Phú La, Phú Lương, La Khê về những nhóm vấn đề: phát triển đô thị hóa nhanh nhưng thiếu diện tích cho xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phát triển đô thị tại khu đô thị Văn Khê và nhiều bất cập, đó là cơ sở hạ tầng cũng như nhiều công trình xây dựng chưa hoàn chỉnh, thiếu điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường không đảm bảo, nhiều người nộp tiền cho chủ đầu tư nhưng chưa được nhận nhà, dẫn đến khiếu kiện...

Tại Dự án Sông Đà 2, chủ đầu tư chậm bàn giao nhà ở cho dân, công ty này vẫn còn phần diện tích bị đình chỉ, do đó TP cần xem xét quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh lãnh phí; Dự án phát triển khu đô thị Thanh Hà chậm gây ảnh hưởng đến an sinh của dân... Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc, Tài Nguyên và Môi trường đã trả lời làm rõ những một số ý kiến của cử tri đã kiến nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời  ý kiến cử tri và chỉ đạo các ngành, quận Hà Đông tiếp tục xem xét các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời  ý kiến cử tri và chỉ đạo các ngành, quận Hà Đông tiếp tục xem xét các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Thay mặt các đại biểu HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đã tiếp thu, trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung cử tri quan tâm. Đồng thời khẳng định, tới đây sẽ chỉ đạo các sở, ngành và quận Hà Đông tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, sau 2 năm đại dịch, ngày 15/3/2022 Chính phủ đã chính thức mở cửa để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành từ Thành ủy, HĐND, UBND TP đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn TP đóng góp vào tăng trưởng GDP cao, dự kiến 8,8% năm 2022, cao nhất trong nhiều năm qua. Thành phố Hà Nội đã cơ bản đạt và vượt tất cả 22 chỉ tiêu trong năm 2022. Bước vào năm 2023, theo nhận định nền kinh tế của Việt Nam nói chung và TP Hà Nội còn nhiều khó khăn trước những diễn biến của thế giới như xuất nhập khẩu, vốn đầu tư, một số lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, tài chính, ngân sách, tiền tệ, tín dụng thẩm thấu sâu, nên nền kinh tế sẽ gặp không ít khó khăn. TP Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND TP mong muốn người dân cùng đồng lòng với Thành phố, quận Hà Đông để làm sao củng cố, động viên, giải quyết các vấn đề khó khăn của người dân, đóng góp và duy trì sự phát triển của Thủ đô. Trong đó tập trung thực hiện các dự án đường Vành đai 4, trạm bơm La Khê, công viên Hà Đông, giải quyết các vấn đề về bàn giao đất dịch vụ, phát triển làng nghề Đa Sỹ, đấu nối các tuyến đường phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.