Đây chính là nhóm cử tri quyết định, tạo ra bước ngoặt trong cuộc bầu cử.
Một tuần trước khi bầu cử, bà Hillary Clinton luôn dẫn trước ông Trump khá xa, có thời điểm cách biệt cao nhất đến 10 điểm%. Đến sát ngày bầu cử, bà Clinton vẫn giữ khoảng cách 5 điểm% với ông Trump. Không chỉ truyền thông và người dân Mỹ mà truyền thông và dư luận thế giới đều cho rằng, bà Clinton sẽ trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Vậy, tại sao lại có sự khác biệt giữa kết quả các khảo sát dư luận và kết quả thực tế như vậy?
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an của Việt Nam, phân tích, độ tin cậy của các khảo sát dư luận ở Mỹ thường không cao do bao giờ cũng có khoảng 20% cử tri không bộc lộ quan điểm sẽ bầu cho ai. Ngay cả đêm trước cuộc bầu cử, những cử tri này cũng chưa quyết định chọn ai trong số các ứng viên.
Theo ông Cương, vì những người này không lên tiếng nên các cuộc thăm dò dư luận thường không thể hiện hết ý kiến của cử tri Mỹ. Do vậy, đây chính là lực lượng giữ vai trò quyết định, tạo ra các bất ngờ trong cuộc bầu cử mà giới nghiên cứu chính trị luôn lưu ý.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng nhận định, “hiện tượng” Donald Trump xuất hiện khi chính trị và xã hội Mỹ rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Người dân không còn tin tưởng vào chính sách và lời hứa của giới lãnh đạo tinh hoa truyền thống. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử này đã minh chứng một điều, trong chính trị, nhất là chính trị Mỹ, điều gì cũng có thể xảy ra.
Trước đó, tờ Philly Voice của bang Pensylvania đã có bài viết những người “ủng hộ câm lặng”. Các nhân vật mà tờ Philly Voice đề cập là những người ủng hộ ông Trump nhưng ngại bày tỏ quan điểm vì ngại bị gắn mác “phân biệt chủng tộc”, “kỳ thị giới” - những cụm từ thường bị gán cho ông Trump.
Còn hãng NBC News phân tích, chiến thắng của ông Trump dựa trên hàng nghìn cử tri im lặng, những người bí mật ủng hộ đại diện đảng Cộng hòa. Những người này đã làm lệch hướng tất cả các cuộc thăm dò dư luận trong suốt kỳ bầu cử.
“Thứ hai, những người được thăm dò ý kiến không phải luôn luôn trung thực”, nhà bình luận Marie Whitaker lý giải.
Các lá phiếu được công bố đã cho thấy, một lượng lớn cử tri ủng hộ ông Trump tại các vùng nông thôn Mỹ. Tại bang Michigan, Trump đã giành được 57% số phiếu so với 38% của bà Clinton. Tại Pennsylvania, ông Trump có 71% số phiếu (bà Clinton chỉ có 25%). Còn tại bang Wiconsin ông Trump được 63% ủng hộ.
Trong khi các phương tiện truyền thông ồn ào đứng về phía bà Clinton, một làn sóng của những cử tri im lặng đã nổi lên, những người không được chú ý cho đến ngày bầu cử.
Họ là những người không muốn công khai thừa nhận họ ủng hộ ông Trump. Giờ đây, phần đông thầm lặng đó đã lên tiếng: Hỡi nước Mỹ, có nghe thấy tôi nói không? - cây bút Marie Whitaker kết lại.