Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cử tri ước kinh tế phát triển như ngày nay, đạo đức xã hội như ngày xưa

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh giá cao thành tích phát triển kinh tế năm 2017 và đầu năm 2018, tuy nhiên, rất nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về những chuyện động trời, khó tin diễn ra trong xã hội thời gian qua. Đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) nhấn mạnh: “Không quan tâm đến văn hóa thì phát triển kinh tế là vô nghĩa”.

Sáng 15/5, Quốc hội thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình những tháng đầu năm 2018; kết hợp thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; và báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 và quyết toán ngân sách Nhà nước 2016.
"Ước kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội như ngày xưa"
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng, từ thực tiễn cuộc sống, cử tri đòi hỏi Quốc hội Chính phủ cần phải làm nhiều hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn các vấn đề bức xúc trong xã hội.
Đề cập đến vấn đề đạo đức, kỷ cương phép nước, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho hay: Thời gian gần đây, vẫn xảy ra những chuyện động trời khó tin, mất nhân tính như lấy than củi trẻ làm thuốc trị ung thư, cà phê nhuộm pin, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, thảm án chết nhiều người…
 Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An). Ảnh: Quốc hội
“Cử tri lo lắng và tâm tư rằng ước gì đời sống kinh tế vật chất được như ngày nay, còn đạo đức xã hội được như ngày xưa. Do đó, cần phải có biện pháp xử lý cứng rắn, mạnh tay, trừng trị các hành vi mất nhân tính”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cho biết: Có ý kiến cử tri cho rằng phát triển kinh tế chưa song hành văn hóa, Chính phủ cần bình luận về vấn đề này. Cử tri kiến nghị cần dùng văn hóa để tuyên truyền, giáo dục, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đây là yêu cầu bức xúc, khi những vấn đề đạo đức bị xói mòn, tiềm ẩn nguy cơ với xã hội.
Đại biểu Lưu Thành Công phân tích: “Kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến văn hóa thì chúng ta tự làm mất chúng ta, việc phát triển kinh tế là vô nghĩa. Vì nếu làm tốt vấn đề này có thể khắc phục được các vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ giữa người với người, bệnh vô cảm, giảm tệ nạn xã hội, việc quản lý Nhà nước dễ dàng hơn".
Nhiều công nhân trong tình trạng "5 không"
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) cho rằng: Dù kinh tế tăng trưởng rất tốt, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề xã hội mà cử tri còn bức xúc như trong giáo dục, vấn đề đạo đức thầy, phụ huynh học sinh, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, trộm cướp… Chính phủ cần phân tích và nói nguyên nhân do đâu. Ngoài ra còn tình trạng người học không có việc làm là nỗi lo lớn của người dân, tác động lớn đến đời sống.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đặt câu hỏi: "Có phải chúng ta chưa xác định đúng chỉ tiêu đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo, sự phân luồng, không phù hợp dẫn tới mất cân đối lực lượng lao động trong ngành nghề. Các biện pháp căn cơ trong thời gian sắp tới là gì?".
Trong khi đó, đại biểu Triệu Thế Hùng nêu lên những lo ngại về đời sống văn hóa của công nhân ở khu công nghiệp: "Có ý kiến cho rằng, nhiều công nhân đang trong tình trạng 5 không: Không tình yêu, không nhà cửa, không gia đình, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao. Việc thụ hưởng văn hóa của họ không có gì đáng kể, không được tiếp nhận thường xuyên về tình hình chính trị, xã hội".
Theo ĐB Triệu Thế Hùng, cả nước có 4 triệu công nhân làm ở hơn 300 khu công nghiệp, con số này còn gia tăng, do vậy, Chính phủ cần rà soát chính sách hợp lý để đảm bảo công đoàn hoạt động đủ mạnh, đại diện quyền lợi chính đáng cho công nhân.
Nhà nước phải có quy định cụ thể để chủ lao động nhận thức được quyền tiếp cận thông tin giải trí, văn hóa, thể thao, thỏa mãn nhu cầu giải trí, hoạt động xã hội của công nhân.
"Phải tăng mức lương tối thiểu vùng đảm bảo mức sống tối thiểu cho công nhân. Có như thế họ mới nghĩ tới việc thụ hưởng văn hóa và khi đó năng suất lao động sẽ tăng, có lợi cho cả hai bên người lao động và sử dụng lao động, giúp đất nước phát triển bền vững", ông Hùng nhấn mạnh.