Vượt chặng đường núi gần 30km, mà quá nửa trong đó lầy lội mới đến Làng Tốt - điểm trường xa nhất Ba Lế, cũng là xa nhất của huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), cô Nguyễn Thị Trang đã “vồ ếch” giữa đường. Người lấm lem bùn đất đỏ quạch, cô giáo có thân hình bé nhỏ với biệt danh “Ròm” bật cười với chính mình và chụp lại nhiều bức ảnh, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội với dòng trạng thái tích cực.
“Ròm vừa mới tới nơi, phụ huynh vui tính bảo: Cô lên tới đây được hả, chân cô ngắn mà sao tới hay thế. Eo ơi, Ròm nở cái lỗ mũi to ơi là to, định nói "Cô tay lái lụa mà". Nghĩ khiêm tốn xí nên hổng có nói, đáp lại bằng cái cười thật tươi. Hên là chưa nói cái tay lái lụa chứ không là thấy cái cảnh này quê chết đi mất. Cảm giác phê phê thiệt á, cung đường mang tên "Làng Tốt" nhưng nó hổng giống cái tên xí nào cả. Mấy em ơi, có thương cô Ròm thì hoàn thành giúp cô mấy cái nội dung cô giao nhé”.
Những dòng chia sẻ chân tình cùng hình ảnh người và chiếc xe đầy bùn đất làm mọi người xúc động. Rất nhiều lời động viên gửi tới cô Trang cùng các giáo viên miền núi, đồng thời xót xa cho sự nghiệp gieo chữ đầy gian nan ở vùng cao.
"Đường vào Làng Tốt không chỉ tôi mà nhiều nữ giáo viên đi riết thành quen. Ngày xưa phải đi bộ chứ không đi được xe máy đâu. Lúc trước mỗi năm tôi đi hư 1 chiếc xe đó. Mình không đi thì ai dạy bọn trẻ”, cô Trang chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Trang (sinh năm 1988) là người quê ở huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi). Tốt nghiệp ra trường, cô Trang nộp hồ sơ lên miền núi huyện Ba Tơ để dạy học cho các em nhỏ đồng bào dân tộc H’rê. Khi chưa đến trường học, cô Trang không nghĩ được rằng bà con trên này lại khó khăn đến như vậy. Với nhiều học trò, để tới được trường học, phải đi bộ từ 3 - 4 giờ liền.
Gắn bó với nghiệp gieo chữ ở vùng núi hơn 1 thập kỷ, nhiều kỷ niệm, nhiều tâm tư, nhưng có lẽ đây là năm học đặc biệt nhất từ trước đến nay đối với cô Nguyễn Thị Trang. Dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ, trẻ em và giáo viên vùng cao vốn đã gian nan với con chữ nay lại thêm vất vả bởi việc học trực tuyến.
“Người dân trên này phần đông là người đồng bào H’rê, họ nghèo lắm, ít người có điều kiện để mua thiết bị cho con học online. Địa hình xa, phức tạp nên xã chia thành nhiều cụm trường. Cụm Làng Tốt là xa nhất, mình qua đó dạy trực tiếp cho mấy đứa nhỏ”, Trang chia sẻ.
Đầu năm học đến nay, cứ 2 ngày một lần, giáo viên đến làng để kiểm tra bài, hướng dẫn các em học tập. Ở vùng cao, đôi lúc giáo viên phải đi tìm học trò. Biết cô đến, học sinh sẽ đi trốn. Vậy là giáo viên phải đi tìm, rồi đợi phụ huynh về để giao bài mới. Cứ lần lượt từng nhà như thế, gặp được hết học trò, trời đã sập tối. Có những ngày, hành trình gieo chữ của cô giáo Trang kéo dài 14 giờ đồng hồ.
Mỗi ngày, phụ huynh cứ í ới cô giáo: “Cô ơi vô xem cái quyển vở con em làm đúng hay sai, chỉ giúp em với, em hổng chỉ được”, “Cô ơi, cầm lon bò húc uống cho khoẻ, nay cô không uống là chị giận á, mời liên tiếp mấy bữa mà cô cứ từ chối”.
Vừa xong ngụm bò húc, chưa kịp đứng dậy thì điện thoại lại reo: “Cô ơi, cô đang ở đâu đó, em hỏi xí, em mới mua cái điện thoại xịn, cô xem có học được không, lên chỉ em với, em đăng ký cho con học trên cái điện thoại”. Cô Trang sấp ngửa vác ba lô chạy đi: “Chạy nhanh tới cho kịp, chứ không là phụ huynh đi làm keo thì tiêu!”, cô cười.
Trò chuyện với Trang, cô bảo rằng: “Mình chỉ là hạt cát nhỏ trong sa mạc rộng lớn, là giáo viên miền núi ai ai cũng đều như vậy, có nhiều thầy cô trải qua nhiều gian khổ hơn Ròm nữa kìa. Vì là năm học "đặc biệt" nên Ròm cũng muốn lưu giữ cái hành trình đáng nhớ này, cũng muốn lan tỏa năng lượng tích cực trong thời điểm đầy thử thách của nước nhà, chứ không có mục đích gì khác. Đó là những điều chân thật nhất, bình thường nhất của giáo viên vùng cao".
Từ ngày 13/9, tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu dạy cho học năm học mới. Tại huyện miền núi Ba Tơ, chỉ có khoảng 15% học sinh bậc Tiểu học, 30% học sinh bậc THCS đủ điều kiện học trực tuyến. Số học sinh còn lại buộc phải thực hiện phương án giáo viên giao bài tập đến tận nhà cho các em tự học.
“Học sinh miền núi cư trú tại nhiều khu dân cư xa xôi, cách trở. Do đó, việc giao bài tập đến từng học sinh gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Chỉ có lòng yêu nghề mới giúp các thầy cô vượt qua khó khăn để đến với các em”, ông Đỗ Giang Nam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tơ chia sẻ.