Nhằm kiềm chế sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (C66 - Bộ Công an) đề nghị đồng chí Giám đốc Công an, Cảnh sát PCCC tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo triển khai một số biện pháp cấp bách sau: Tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các cấp, nhất là UBND cấp xã đề cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC tại địa phương. Trong đó, tập trung bảo đảm các điều kiện về an toàn PCCC đối với khu dân cư; phát động phong trào toàn dân PCCC và CNCH; Xây dựng, duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội dân phòng…
Xây dựng, ban hành Bộ Tiêu chí an toàn PCCC và CNCH đối với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong các khu dân cư, làng nghề… phù hợp thực tế địa phương. Khi xây dựng quy hoạch các khu dân cư mới trên địa bàn cần tính toán các giải pháp an toàn PCCC và thoát nạn cho hạ tầng kỹ thuật và từng căn hộ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra thông qua sinh hoạt tổ dân phố, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC… Chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác tuyên truyền PCCC. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng để đội ngũ này có đủ năng lực xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh không thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC; đôn đốc, hướng dẫn chủ hộ khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC như: An toàn PCCC hệ thống, thiết bị điện; bố trí sắp xếp vật tư, hàng hóa; quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; gia công, sửa chữa, hàn cắt kim loại; trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu… và đặc biệt phương án thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.