Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cục Đường bộ báo cáo vụ trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về vụ tai nạn của học sinh bị tử vong trên xe ô tô đưa đón học sinh xảy ra tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Theo đó, chiếc xe ô tô đưa đón học sinh của trường Mầm non Hồng Nhung (TP Thái Bình) đã bỏ quên cháu bé suốt từ sáng đến cuối chiều 29/5, dẫn đến bé tử vong có BKS 17F-000.91 do ông Phạm Văn Đông (tổ 8, phường Phú Khánh, TP Thái Bình) là chủ phương tiện. Xe được đăng kiểm ngày 20/5/2024, hết hạn ngày 19/8/2024. 

Phương tiện thuộc HTX Vận tải Hồng Hà do Sở GTVT Hà Nội quản lý cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” nhưng lại hoạt động ở Thái Bình.

Lái xe trong vụ tai nạn là Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1965, trú tại tổ 1, phường Quang Trung, TP Thái Bình). Tài xế này được cấp GPLX hạng D được ngày cấp 10/3/2022 và ngày hết hạn là 10/3/2027.

Cục Đường bộ báo cáo vụ trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe - Ảnh 1
 Chiếc xe chở học sinh trong vụ việc em bé 5 tuổi tử vong tại Thái Bình. Ảnh: TTXVN

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, các quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đã được quy định cụ thể, chi tiết tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 12/2020 của Bộ GTVT.

Các văn bản quy phạm pháp luật này đã quy định rõ: Đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát đảm bảo không còn hành khách trên xe, người lái xe phải thực hiện kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe trước khi rời khỏi xe.

Cụ thể: Nghị định 10/2020 đã quy định trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông.

Thông tư 12/2020 đã có hướng dẫn chi tiết quy trình đảm bảo ATGT áp dụng chung cho tất cả các loại hình kinh doanh vận tải, bao gồm cả hoạt động vận tải đưa đón học sinh, trẻ em mầm non. Trong đó, có quy định đối với người lái xe kinh doanh vận tải hành khách sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe.

Thông tin thêm, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay: Tại dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung riêng một điều đối với hoạt động vận tải đưa đón học sinh, trẻ em mầm non. Nội dung cụ thể được quy định chi tiết về đối tượng tham gia hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non.

Bên cạnh đó, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông cũng bổ sung một số quy định chi tiết đối với hoạt động vận tải đưa đón học sinh, trẻ em mầm non. Trong đó, quy định chi tiết về điều kiện đối với xe ô tô, lái xe ô tô chuyên chở học sinh.

Việc bố trí người quản lý trên xe và quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho người lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non phải nắm vững và thực hiện xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; Chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự ATGT khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.