Phương án tạo các cụm đô thị là sáng kiến tạo ra những chuỗi đô thị mạnh, bền vững làm xương sống cho sự phát triển chung của đất nước.
Tập trung quy hoạch các cụm đô thị
Tiền thân của Hiệp hội đô thị Việt Nam khi mới ra đời năm 1992 có 5 thành viên: Huế, Đà Nẵng, Vinh, Nam Định, Việt Trì. Chỉ cần nhìn vào khoảng cách giữa các đô thị này trên bản đồ đã thấy sự thiếu liên kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau trong hoàn cảnh cơ sở hạ tầng, giao thông, thương mại… còn rất kém, lạc hậu khi đó. Đó là chưa kể về đặc thù đô thị, hướng kinh tế chủ đạo của 5 TP này rất khu biệt vì phải phục vụ cho cuộc chiến vệ quốc chưa đầy 20 năm trước (tính đến năm 1975). Chính vì thế, sau đó dù có nhiều đô thị khác ra nhập Hiệp hội nhưng tính liên kết giữa các đô thị nói như GS.TS Nguyễn Lân - nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam là “Rời rạc, không bắt mạch”…
Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
|
Chỉ đến năm 2001, sau Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội, ý tưởng tạo các cụm đô thị gắn kết mật thiết trong bức tranh tổng quan mới được hình thành. Ý tưởng này thực ra khó được chấp nhận ở những nước có bề dày phát triển đô thị bởi nó “xé lẻ” tổng thể, có thể tạo ra những “Khu vực cát cứ, riêng biệt, tạo mối lo ngại cho một chỉnh thể thống nhất dễ bị chia rẽ”. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sau đổi mới kinh tế, bắt đầu vào quá trình xây dựng đất nước, một nửa số đô thị vừa bước qua chính sách thời chiến, một nửa số đô thị chưa gột rửa hết tàn dư của hình thái tư bản, nếu tạo mối liên hệ rộng khắp giữa các đô thị thì đó sẽ là sự “ngáng chân, cản trở” lẫn nhau thay vì cùng nhau phát triển. Và trong giai đoạn hiện tại, ý tưởng táo bạo, “xé rào” về các liên kết cụm đô thị mang đặc thù Việt Nam đã thực sự phát huy được tính linh hoạt khi đối đầu với tình trạng đô thị hóa “vỡ òa” như hiện nay.
Trong những năm qua, đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng cũng như chất lượng. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 6/2015, mạng lưới đô thị quốc gia của Việt Nam đã có 780 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45% và sẽ đạt khoảng xấp xỉ 55% vào đầu năm tới. Hàng năm, khu vực đô thị đóng góp cho nền kinh tế khoảng 70% GDP. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các TP đặt ra những thách thức về việc phải bảo đảm tính cạnh tranh về mặt kinh tế giữa các trung tâm đô thị. Nhất là tính bền vững trong phát triển đô thị còn chưa được đảm bảo. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, sự phát triển chưa bền vững, thể hiện trước hết là công tác quy hoạch còn thiếu và chậm so với yêu cầu thực tiễn, hạ tầng thiếu đồng bộ… dẫn đến quá trình phát triển đô thị còn chưa tuân thủ đúng quy hoạch cũng như kế hoạch.
Chính trong thời điểm căng thẳng này, các mối liên kết cụm đô thị đã phần nào giúp giảm tải khó khăn cho các nhà hoạch định. Một quy hoạch chung chi tiết cho sự liên kết các đô thị Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) vẫn chưa thể hiện rõ ràng, nhưng tại hội thảo Cụm đô thị ĐBSH vừa qua tại Thái Bình, một hướng phát triển tập trung, lâu dài, bền vững cho 15 đô thị trong cụm đã được vạch ra: Xây dựng đô thị Xanh – Sạch – Đẹp gắn với tăng trưởng xanh. Đồng ý rằng hướng phát triển Xây dựng đô thị xanh – sạch – đẹp là chức năng vốn có của quản lý Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên sự đồng thuận bước đầu này khẳng định cho những sự đồng thuận quan trọng hơn trong tương lai.
Việc liên kết tạo thành các cụm đô thị có lẽ là cách làm linh hoạt nhất trong việc xây dựng một hướng đi cho việc phát triển đô thị tại Việt Nam. Và bước đầu, sự linh hoạt ấy đã có được những thành quả mang tính nền móng cho một phát triển dài hơi sau này. Việc phấn đấu thống nhất những quy định riêng tại các đô thị trong cụm đô thị ĐBSH đã bước đầu tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển. Điều cần thiết nhất giờ chỉ là việc sớm có những quy hoạch các cụm đô thị để có được sự “phân nhiệm” rõ ràng cho từng đô thị trong cụm.
Ưu tiên cho đầu tàu
Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa diễn ra chậm, đặc biệt là trong thời gian chiến tranh. Sau 1975, quá trình đô thị hóa đã lấy lại nhịp độ bình thường trong điều kiện hòa bình sau một số năm khôi phục những gì đã bị chiến tranh tàn phá, tỷ lệ cư dân đô thị có chiều hướng tăng trong những năm gần đây. Mạng lưới đô thị của cả nước đã được hình thành và đang phát triển với hơn 600 đô thị lớn nhỏ, trong đó có hai đô thị loại 1 với dân số hơn 1 triệu người là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có hàng chục đô thị loại II khác. Khu vực đô thị ngày càng trở thành khu kinh tế quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế - quốc dân (chiếm khoảng 30 – 50% và dự báo đến năm 2020 chiếm khoảng 65 – 70% GDP).
Hiện nay Việt Nam đang thực hiện chiến lược CNH, HĐH đất nước để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp. Đi kèm chiến lược này là quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trên cả hai mặt theo bề rộng và theo chiều sâu trên quy mô toàn quốc. Đô thị hóa theo bề rộng thể hiện ở sự gia tăng dân số và sự mở rộng không gian lãnh thổ, còn đô thị hóa theo chiều sâu thì lại hướng tới nâng cao chất lượng của cuộc sống đô thị và xã hội, đó là những biến đổi quan trọng trong cơ cấu lao động, lối sống đô thị cũng như những thay đổi về bộ mặt kiến trúc, quy hoạch, giao thông và nhịp sống đô thị.
Nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước giữ vững phát triển, kinh tế - xã hội, văn hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, việc hình thành, phát triển và tổ chức hệ thống không gian, hệ thống đô thị của cả nước đến năm 2020. Năm 2012, Việt Nam phối hợp đồng tổ chức Hội thảo “Thành phố bền vững – Thách thức và Cơ hội”. Tại hội thảo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Chính phủ đồng thuận với kế hoạch phát triển đô thị, đó là: Mạng lưới đô thị trong cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm TP trung tâm cấp quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế; Các TP trung tâm cấp vùng như TP Cần Thơ, Biên Hòa… các TP, thị xã cấp tỉnh; đô thị cấp huyện; các đô thị trung tâm cấp tiểu vùng bao gồm các thị trấn là các cụm dân cư nông thôn hoặc các đô thị vệ tinh trong các vùng ảnh hưởng của đô thị lớn. Đô thị trung tâm các cấp được phân bổ hợp lý trên 10 vùng đô thị hóa đặc trưng của cả nước. Các đô thị trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế được tổ chức thành các chùm đô thị có vành đai cây xanh bảo vệ, hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế phá vỡ cân bằng sinh thái, tránh sự hình thành các siêu đô thị.
Theo định hướng trên, các đô thị trung tâm cực lớn được tổ chức và phát triển theo xu hướng chùm (cụm) đô thị. Mà trong đó, đô thị trung tâm sẽ tiếp tục phát triển hoàn thiện. Các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng và các đô thị khác được hình thành và phát triển trong một quy mô hợp lý.
Như vậy, với định hướng chiến lược cụ thể này, liên kết nhóm (tạo thành các cụm đô thị) sẽ là hướng đi chính cho sự phát triển đô thị trong thời gian dài sắp tới. Những TP lớn (tất nhiên là có Hà Nội) sẽ là những đầu tàu để kéo cả đoàn tầu trên đường phát triển. Việc đầu tư tập trung cho những đầu tàu sẽ tránh được những bàn tán, suy bì khi đặt trong nhiệm vụ thúc đẩy cả cụm đô thị cùng tiến lên phía trước.
"Nếu công tác quy hoạch cụm đô thị ĐBSH làm tốt, lúc đó bản thân TP Thái Bình và các TP khác sẽ không mất thời gian để “Tìm hướng đi cho mình”. Thay vào đó là những chương trình hành động cụ thể để thực hiện hướng phát triển đã được vạch sẵn. Tư duy “Nhiệm kỳ lãnh đạo” cũng không gây cản trở cho phát triển đô thị bền vững, lâu dài nữa, bởi nhiệm vụ đã có sẵn, chỉ cần thực hiện mà thôi." - Ông Nguyễn Ngọc Ý - Chủ tịch UBND TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình |